17 thg 12, 2011

Một ngày đi tỉnh của Đại sứ Mỹ

Thúc đẩy đầu tư Mỹ vào Việt Nam và tăng cường giao thương giữa hai nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đại sứ David Shear. Ông hy vọng khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ đi đủ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Hôm qua (16/12), ông có chuyến đi về Thái Bình.




Phút thư giãn của Đại sứ David Shear tại quán cà phê Cát Tường, TP Thái Bình, trong khi chờ đến giờ gặp lãnh đạo UBND tỉnh. Đại sứ nói rằng nếu không có chương trình làm việc ở đây, ông sẽ ngồi tiếp và lấy sách ra đọc - một trong những thú vui của cả hai vợ chồng ông trong những lúc rảnh rỗi ở Hà Nội.

Lắng nghe lãnh đạo tỉnh giới thiệu về địa phương, trước khi đề nghị giới thiệu giúp các nhà đầu tư, kinh doanh từ Mỹ, là một trong những việc mà Đại sứ Shear thường xuyên làm trong những chuyến đi về các địa phương.

Câu nói của Chủ tịch Thái Bình, sau khi nhận quà tặng là cuốn sách “Công viên Quốc gia của Mỹ”, rằng ông nhất định sẽ tới thăm công viên này, khiến Đại sứ Shear rất vui. Thế là ông đã quảng bá được về đất nước cho ít nhất một người Việt Nam nữa - một nhiệm vụ của bất kỳ nhà ngoại giao nào.

Trong lúc chờ cơm trưa ở nhà hàng “Cây Trầu”, người lái xe đã mời Đại sứ Shear thử uống nước vối. Trên đường về, ông hỏi liệu có thể tìm được “nước vối” ở Hà Nội không.


Trung tâm Y tế cộng đồng Thái Bình là một dự án được Chính phủ Mỹ tài trợ. Hôm qua, Giám đốc Trung tâm gửi Đại sứ Shear bản tin định kỳ về hoạt động phòng chống HIV/AIDS của cơ sở này. Bà nói chuyến thăm của ngài Đại sứ đã khích lệ anh chị em của trung tâm cố gắng làm tốt hơn nữa công việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Lễ ký kết khoản tài trợ 30.000 USD từ Quỹ Đại sứ, cho một dự án bảo tồn di sản ở Thái Bình. Đại sứ Shear, sau đó, nói với tác giả rằng đầu tư để phát triển tương lai luôn phải gắn với bảo tồn di sản của quá khứ.


Đại sứ Shear rất thích thú khi được lãnh đạo bảo tàng giới thiệu rằng sân khấu chèo (chiếu chèo), cũng như múa rối nước - hai loại hình nghệ thuật đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ - có nguồn gốc từ Thái Bình. Tìm hiểu văn hóa Việt Nam để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước là một ưu tiên khác của Đại sứ Shear trong nhiệm kỳ của mình.

Lãnh đạo bảo tàng Thái Bình giới thiệu cho nhà ngoại giao từ bên kia đại dương một loại phương tiện giao thông thời phong kiến dành cho vua quan, chức sắc, và nói rằng cỗ kiệu này đang cần được trùng tu.


Vẻ háo hức của hai nữ nhân viên bảo tàng khi được chụp ảnh với Đại sứ Mỹ, trong khi người thứ ba đang chờ đến lượt chụp với ông. Khi được hỏi về cảm giác của ông, như một “movies’ star” được nhiều người hâm mộ xin chụp ảnh chung, Đại sứ Shear nói rằng ông rất thích tính cách cởi mở và tự nhiên của người dân Việt Nam. Ông còn nói, khi ký kết khoản tài trợ trùng tu di sản với Giám đốc Bảo tàng, ông thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhà nước, còn khi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhân viên bảo tàng, ông là một nhà ngoại giao nhân dân.

Không hiểu đây có phải cuộc đối thoại đầu tiên mà Đại sứ David Shear tham gia, trong cuộc đời ngoại giao của mình hay không. Nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện trong mục “Gặp gỡ & Đối thoại” trên Tuần Việt Nam vào thứ năm tuần tới.

Huỳnh Phan

15 thg 12, 2011

Phương Vicarent tiếp tục bị truy tố về tội trốn thuế, lừa đảo, buôn lậu

Tại phiên tòa tháng 12/2003, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã tuyên phạt Phạm Văn Phương, tức Phương Vicarent (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Vicarent), 27 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản" và "lừa đảo".
Ngày 25/3/2004 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra đã có kết luận làm rõ thêm những hành vi buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế... của Phạm Văn Phương, với số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới hàng tỉ đồng.
Vụ việc bắt đầu từ năm 1993, khi Phương Vicarent cùng một số người trong công ty sang Nga du lịch, "tiện thể" mua 13 chiếc xe tay lái nghịch với số tiền khai hải quan là 12.100 USD. Nhưng đến khi xe về Việt Nam, do Chính phủ đã có lệnh cấm nhập xe tay lái nghịch nên để hợp thức hóa số hàng này, Phương và một người khác là Nguyễn Hòa, cán bộ chi nhánh Công ty Lọc hóa dầu Vũng Tàu, nhờ Công ty Servik của Nga làm hợp đồng giả với Công ty Vicarent nhập 13 xe trên về để sửa, chuyển đổi tay lái để tái xuất. Phương lại giao cho Hòa làm giả văn bản "thông báo" cho Vicarent nội dung: Công ty Servik giải thể, không thể nhận lại số xe trên, đề nghị Vicarent nhận lại số xe này để thanh toán công nợ hai bên. Sau đó, Phương ra công văn đề nghị UBND tỉnh BR-VT tịch thu 13 xe và thanh toán cho công ty của Phương các chi phí. UBND tỉnh BR-VT sau đó xin ý kiến Chính phủ được yêu cầu tổ chức bán đấu giá số xe trên và xem xét thanh toán cho Công ty Vicarent theo hợp đồng, còn lại nộp ngân sách. Tuy nhiên, sau đó, Sở Tài chính - Vật giá tỉnh lại không bán đấu giá mà trưng dụng số xe để trang bị cho các đơn vị của tỉnh. Công ty Vicarent được thanh toán 99.294 USD (theo đề nghị của Phương là 113.187 USD). Như vậy, chỉ bằng vài động tác ma mãnh, Phương Vicarent đã biến hàng lậu thành hàng thật. Sau khi đã chi trả cho một số người, phần của Phương chiếm đoạt được là 46.794 USD.
Sau vụ này, Phương Vicarent lại chủ mưu trong 3 vụ trốn thuế lớn khác. Vụ thứ nhất: Phương cùng với Hứa Ngọc Hiền, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vicarent tại TP Hồ Chí Minh bán 6 chiếc xe ô tô cho tư nhân (những chiếc xe này do Công ty Hochimex - Hồng Kông góp vốn kinh doanh và được miễn thuế nhập khẩu) gây thiệt hại cho ngân sách 1,92 tỉ đồng. Vụ thứ 2: trốn thuế trên 3 tỉ đồng trong việc bán 23 xe ô tô cho Sở Tài chính - Vật giá tỉnh BR-VT. Vụ thứ 3, Phương cùng Hứa Ngọc Hiền trốn 790 triệu đồng tiền thuế trong vụ bán 1 xe Mercedes cho ông Nguyễn Thành Sơn.
Trở lại vụ Phương nhập lậu 13 xe tay lái nghịch, cơ quan điều tra cho rằng, ông Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT (là Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá tỉnh ở thời điểm vụ việc xảy ra) đã có sai phạm trong việc ký đề xuất UBND tỉnh không tịch thu, bán đấu giá số xe trên mà dùng để trang bị cho các ban, ngành trong tỉnh, đề xuất chi trả tiền cho số xe lậu của Phương Vicarent trái với chỉ đạo của Chính phủ.
Các ông: Nguyễn Văn Lam, Trưởng phòng Ngân sách, sau là Phó giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, nay là Phó phòng Ngân sách; Lê Ngọc Khánh, Phó phòng Ngân sách Sở Tài chính - Vật giá tỉnh BR-VT cũng được cho là "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc kiểm tra các chứng từ, để cho Phương chiếm đoạt tiền ngân sách. Tuy nhiên, những người này lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không có tư lợi(?). Trong vụ này, có 5 cán bộ của Công ty Vicarent bỏ tiền mua xe lậu, thuộc vào hành vi phạm tội buôn lậu, nhưng theo cơ quan điều tra, vì số tiền họ bỏ ra mua chưa tới 100 triệu đồng nên không bị truy cứu hình sự.
Với tất cả hành vi như trên, Phương Vicarent bị truy tố vì 3 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, trốn thuế; Hứa Ngọc Hiền và Joe Lau Chau Chi (quốc tịch Hồng Kông - Trung Quốc) cùng bị truy tố vị tội trốn thuế do đã cùng trực tiếp tham gia giúp Phương trốn thuế. Toàn bộ kết luận điều tra của vụ án cùng tang vật, hồ sơ vụ án đã được chuyển tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cuối tuần qua để truy tố Phương, Hiền và Joe Lau Chau Chi.
Quang Dũng
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

“Cháy toà nhà EVN giống vụ tháp đôi ở Mỹ “

Tôi cũng theo dõi vụ cháy toà nhà EVN qua báo chí và khá sát tình hình. Nhìn những hình ảnh đó chẳng khác nào vụ tháp đôi ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Vụ cháy EVN làm chấn động cả nước, làm tinh thần người dân nao núng”.



Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá ngay sau vụ cháy tại tòa nhà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chiều tối qua trong buổi triệu tập cuộc họp khẩn của UBND TP. Hà Nội vào ngày 16/12.

Tham dự cuộc họp khẩn gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Sở, Ngành có liên quan để đánh giá lại công tác phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua và chỉ đạo công việc thời gian tới.

Sao không huy động thêm trực thăng?

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt câu hỏi về vụ cháy toàn nhà EVN: "Tôi theo dõi nhưng không thấy các đồng chí huy động thêm trực thăng tới giải cứu người. Cái đấy chỉ cần phối hợp với Quân đội điều động trực thăng tới, rồi thả dây xuống nóc nhà để đưa người còn mắc kẹt lại khỏi tòa nhà, vì lúc đấy tất cả người mắc kẹt lại đều đã chạy hết lên nóc nhà. Tôi đề nghị Sở PCCC Hà Nội cũng phải có trực thăng”.

Ông Thảo cũng chỉ đạo, cần khắc phục hậu quả ngay. Đối với những công nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu cần kiểm tra sức khỏe toàn diện, ban đầu thì chăm sóc theo dõi, số người không sao thì cho về nhà. Tuy nhiên, hậu quả của nó đến sức khỏe các công nhân do nhiễm độc khói phải có theo dõi thường xuyên, và có hướng xử lý.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH, Tổng Công ty điện lực VN cần quan tâm đến anh em, chăm sóc, bồi dưỡng để không để lại hậu quả với sức khỏe của họ.

“Cơ quan quản lý xử lý trách nhiệm theo quy định của luật pháp, không thể chỉ đơn thuần rút kinh nghiệp. Mục tiêu không chỉ là khắc phục hậu quả, còn phải xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục”, ông Thảo chỉ đạo.

Ông Thảo cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề an toàn các công trường xây dựng tại Hà Nội như:  bao giờ trước thi công việc an toàn phòng cháy, chữa cháy phải được quan tâm đầu tiên, nếu không đảm bảo phương án sẽ không được cấp pháp xây dựng, việc này cần kiểm tra lại, nếu chỗ nào không đảm bảo cần xử lý ngay.

“Vấn đề của thoát hiểm cũng chưa được tốt, tại một số nhà các cửa đều được đóng chặt, nếu khi xảy ra cháy anh phải làm thế nào, chứ không phải là mở mãi không được”, ông Thảo nói.

An toàn lao động, phòng cháy có vấn đề

Qua vụ cháy tại tòa nhà EVN, Chủ tịch Hà Nội cho rằng: Vấn đề quản lý tổ chức thi công, kỹ thuật, an toàn lao động, phóng cháy của chúng ta có vấn đề, phải siết chặt lại. Trong luật đều có hết, nhưng việc thực hiện vẫn chưa tốt. Do vậy các Sở, ngành thời gian tới cần tăng cường công tác phóng cháy chữa cháy, hạn chế tối thiểu thiệt hại xảy ra.

“Việc chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua còn một số hạn chế, do nhân và vật lực còn nhiều thiếu thốn, việc điều động xe chữa cháy tới hiện trường gặp khó khăn do vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm.

Sở Cảnh sát PCCC là nòng cốt phải xây dựng các tình huống diễn tập cho thực tế, phối hợp lực lượng đa dạng. Bởi, hiện nay Sở này vừa tách ra, nên nếu phối hợp không cẩn thận thì sẽ rất khó khăn” ông Thảo chỉ đạo.
 

 
Ông Thảo cũng chỉ đạo Sở Tài chính cung cấp kinh phí để Sở Cảnh sát PCCC trang bị thêm trang thiết bị chữa cháy.
"Trang thiết bị bảo hộ có đầy đủ thì anh em mới nhảy vào lửa được, giờ mỗi cái mũ bảo anh em nhảy vào lửa thì sao dám nhảy?” - ông Thảo băn khoăn.

Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành cần tăng người phối hợp hơn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra công tác phòng cháy, an toàn lao động… tại các công trường đang xây dựng, tòa nhà cao tầng đang sử dụng.

Hà Nội cũng đề nghị Tổng Công ty điện lực Việt Nam cần tăng cường an toàn điện, không riêng gì vụ việc này, mà phải kiểm tra việc sử dụng điện tại các công trường, tòa nhà.

“Thời gian qua Hà Nội đã thay toàn bộ hệ thống dây điện có vỏ, nhưng hiện nay việc quản lý vẫn còn rất lơi lỏng, những tòa nhà cao ốc đã kiểm tra và đưa vào sử dụng rồi nhưng giờ sử dụng thế nào, cũng phải kiểm tra, nếu nó cháy thì làm sao?”, ông Thảo nói.

Về vụ cháy tối 15/12, Chủ tịch Hà Nội gửi lời khen ngợi đến lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phản ứng kịp thời, chỉ trong 30 phút đã huy động được lực lượng hùng hậu đến hiện trường, với tinh thần khẩn trương, có trách nhiệm.

Gia Văn

Phạm Văn Mách điệu đà trên sân khấu

Chàng lực sĩ ngày càng "đỏm dáng" sau khi tham gia "Cặp đôi hoàn hảo"...




Ngay ở những số đầu tiên của "Cặp đôi hoàn hảo", Phạm Văn  Mách đã lấp lửng ý đồ đi hát

Sau khi rời khỏi chương trình này, anh đã lập tức xuất hiện trên nhiều sân khấu với tư cách là ca sĩ

Không còn vẻ cứng nhắc, cục mịch như những lần đầu tiên được hát trước ống kính máy quay, chàng lực sĩ giờ mềm mại và điệu đà hơn rất nhiều

Anh điệu đà ở cả trang phục lẫn cách trình diễn, và đặc biệt là chất giọng đã sến nay lại càng sến

Chưa dám thử sức mình với những ca khúc mới, thời gian này, Mách tranh thủ thể hiện lại những bài mà anh đã từng hát trên truyền hình

Dù không có Văn Mai Hương bên cạnh, thế nhưng giọng ca thể hình vẫn tỏ ra khá tự tin

Với phong cách trình diễn cũng như giọng hát này của Mách, sẽ không có nhiều cơ hội cho anh để đứng trên một sân khấu lớn

Nhưng với những chương trình hội chợ, show ca nhạc tỉnh... anh đủ sức để mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn vui vẻ

Như trong đêm nhạc trao học bổng cho sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải mà ca sĩ A Tuân đứng ra tổ chức này, Mách đã nhận được nhiều tình cảm của các bạn trẻ.
Phong Vũ

14 thg 12, 2011

Mặt trái kinh hoàng của vũ khí do thám

Tính hợp pháp của loại sát thủ không mang mặt người này đang dấy lên nhiều câu hỏi hóc búa: chúng có thể giết bất kỳ ai, ở mọi lúc, mọi nơi mà hầu như không bị kiểm soát.

Máy bay không người lái của Mỹ tại Iraq
Các máy bay do thám có thể rất cừ, rất đáng sợ, nhưng liệu nó có hợp pháp? Không ai thực sự chắc chắn về điều này.
Rất ít loại vũ khí nào trong kho vũ khí hiện đại lại kích thích trí tưởng tượng của công chúng như các loại máy bay do thám không người lái.
Những chiếc máy bay bóng loáng, đẹp mã, hoạt động ở cách xa hàng ngàn km mà không có người lái. Đây là những điềm báo trước cho một dạng chiến tranh mới: công nghệ cực kỳ tinh vi, chính xác, và có khả năng đánh vào hang ổ quân thù mà không gây tổn hại gì về người.
Nhưng đằng sau chiếc máy bay bóng bẩy này cũng có những khoảng tối. Được mệnh danh là "rôbốt sát thủ" nhưng cũng có lúc, chúng sẽ trở nên bất trị.
Trên thực tế, rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, một chiếc máy bay không người lái là một công cụ chiến tranh hiện đại ngày nay. Chúng có thể được coi là một hệ thống vận chuyển vũ khí, chúng có thể cung cấp thông tin giám sát về mục tiêu một cách ổn định và cập nhật. Chúng có thể "tiễu trừ" những "kẻ xấu" với độ chính xác đến bất ngờ.
Nhưng sự tiện dụng của các loại máy bay do thám này cũng làm vỡ tan mọi ảo tưởng về việc sử dụng chúng. Các máy bay không người lái không chỉ được triển khai ở các quốc gia như Afghanistan và Iraq, mơi mà quân đội Mỹ đang tham chiến. Các máy bay này đang được sử dụng tại Yemen, Somalia, Libya và có thể (đau đầu nhất cho Mỹ là) ở Pakistan - một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Các chuyên gia quân sự, ngoại giao, học giả luật và các nhà hoạt động đều đã cân nhắc về vấn đề này, nhưng cho tới nay rất ít sự đồng thuận đạt được về việc liệu loại máy bay này có được chấp nhận theo luật quốc tế hay không.
Christine Fair - phó Giáo sư của Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc đại học Georgetown - gọi các máy bay này là "công cụ thành công nhất của Mỹ và Pakistan phải loại trừ các nhóm du kích nguy hiểm đe dọa tới an ninh của cả hai bên". Christine cười nhạo những ai tìm cách hạn chế sử dụng các "rôbốt sát thủ" này.
Mary Ellen O’Connell - một giáo sư của Trường Luật Notre Dame lại cho rằng việc sử dụng các loại máy bay do thám này ngoài khu vực chiến sự là bất hợp pháp.
"Hạn chế sử dụng các máy bay do thám trong khu vực chiến sự là quy định quan trọng nhất để kiểm soát việc sử dụng chúng. Vào đúng lúc mà chúng ta đang cố gắng chinh phục trái tim và tâm trí để tôn trọng luật pháp, bản thân chúng ta lại không thể tôn trọng một quy tắc vô cùng cơ bản: các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa chỉ thuộc về chiến trường".
Nhưng trong cuộc chiến chống khủng bố, toàn thế giới đều trở thành chiến trường - những người theo phe ủng hộ biện minh. Nhưng những người chỉ trích thì phản đối, vì Mỹ không có quyền lực vô hạn để giết bất cứ ai mà họ muốn, ở bất kỳ nơi nào mà họ thích.
Tính hợp pháp của loại sát thủ không mang mặt con người này đang dấy lên nhiều câu hỏi hóc búa. Việc quân đội sử dụng máy bay không người lái trong một cuộc xung đột vũ trang mở rộng có vẻ được chấp thuận; trong khi CIA cũng sử dụng loại vũ khí đó để nhằm vào một cá nhân hoặc một nhóm người đặc biệt thì lại khiến nhiều người trong lĩnh vực luật quốc tế "sửng cồ lên".

Chiếc máy bay không người lái MQ-9 Predator B
"Ở đây có một điểm khác biệt quan trọng về mặt pháp lý" - Daniel Rothenberg, giám đốc điều hành của Trung tâm Luật và các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học bang Arizona, nói. "Khi quân đội đang triển khai hoạt động trong một khu vực xung đột, họ được hướng dẫn theo Luật Xung đột Vũ trang cùng với các điều khoản và quy định. Họ có thể nói với bạn rằng các luật mà họ đang tuân thủ là gì, thậm chí đôi khi họ cũng phá luật. Còn với CIA, chúng ta chẳng biết gì hết - liệu họ có liên quan tới các phân tích hợp pháp? Dựa trên quy trình nào mà họ xem xét các quyết định đối với mục tiêu? Có luật nào quy định đối với họ không?"
CIA đã có một chương trình máy bay không người lái với phiên bản "chuyển đổi" tại Pakistan kể từ thời chính quyền Tổng thống George W.Bush (dù đây có lẽ là bí mật hớ hênh nhất trong lịch sử của ngành này).
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, các cuộc không kích không người lái tại Pakistan đã tăng lên chóng mặt. Theo Văn phòng Báo chí Điều tra (TBIJ) có trụ sở tại London, cứ 4 ngày lại có một cuộc không kích không người lái diễn ra tại Pakistan.
Chính quyền Mỹ gọi các cuộc không kích đó là những thành công "thuần khiết", trong khi 2000 người đã bị thiệt mạng, nhưng chỉ có 50 tay súng đối lập bị giết. Theo TBIJ, có ít nhất 385 dân thường, hơn 160 trong đó là trẻ em trong tổng số trên 2000 người đã thiệt mạng.
Vấn đề thường dân thiệt mạng đã đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc tranh cãi về tính pháp lý của các máy bay không người lái. Theo Luật Xung đột Vũ trang, hai nguyên tắc quan trọng phải được tính đến khi đưa ra một quyết định tấn công mục tiêu, đó là: sự khác biệt và tỉ lệ cân xứng.
"Sự khác biệt" yêu cầu các cuộc tấn công chỉ được giới hạn trong các mục tiêu quân sự; "tỉ lệ cân xứng" nhằm giới hạn các cuộc tấn công có thể gây ra các thiệt hại tình cờ đối với dân thường, không cho vượt quá xa trong mối tương quan với lợi thế quân sự cụ thể và trực tiếp trước đó. 
Daniel Rothenberg nói rằng "đây là một cuộc chiến phức tạp để tìm ra một cơ chế hợp pháp để biện hộ cho các máy bay không người lái... cả thế giới cũng không rõ là các máy bay này có hợp pháp hay không. Chẳng có chính phủ nào điều hành cả thế giới, cũng không có phiên toà nào của cả thế giới có thể phán quyết về vấn đề này, không có lực lượng cảnh sát toàn cầu nào có thể đưa ra một quyết định cả".
Trong bối cảnh thiếu vắng một lực lượng có sức mạnh toàn cầu như vậy, Mỹ hoàn toàn có thể tự viết "luật chơi" cho riêng mình. Đó chính là thứ mà Ngoại trưởng Mỹ gọi là "sức mạnh thông minh" - được định nghĩa là "một tập hợp nguyên tắc và thực dụng" để "vận dụng khéo léo mọi phương tiện mà chúng ta tùy ý sử dụng".
Nhưng vấn đề là không phải ai cũng đồng tình với thế giới quan của Mỹ.
  • Lê Thu (theo GP)

13 thg 12, 2011

Làng đào Hà Nội hối hả vào vụ

Chỉ hơn một tháng nữa đến Tết Nhâm Thìn, những người trồng đào Nhật Tân đang tất bật chăm sóc tưới cây, vặt lá và tạo dáng chờ ngày ra hoa.

Các nghệ nhân trồng đào Nhật Tân nổi tiếng của thủ đô đang tất bật chăm bẵm chuẩn bị đón xuân.
Tại một vườn đào, chị Hòa đang chăm sóc bóc tỉa bớt lá để các cành sớm ra nụ.
Khác hẳn với thời điểm này năm trước khi cái rét kéo dài hơn một tháng khiến các chủ vườn đào phải sưởi ấm kích nở thì năm nay nhiều khu vực hoa đã nở sớm.
Hoa đào vốn là biểu tượng của mùa xuân và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết nguyên đán. Việc một số vườn hoa nở sớm như thế này cũng làm nhiều chủ vườn lo lắng.
Có bông thậm chí đã héo.
Tạo dáng tròn cho đào cành bằng cách buộc dây và cắt các cành chọc tủa ra ngoài.
Vì đào nở nhiều, nhiều chủ vườn đốn mang đi bán.
Những bó đào phai của nhà chị Mai được chất đống chờ xe đến chở.
Một cành đào phai nhỏ thế này được bán với giá 40.000 đồng.
Nếu như đào Nhật Tân truyền thống đã sớm nở thì đào rừng vẫn chưa ra nụ. Anh Thuận Sen đang phải thuê người đến cắt tỉa lá.
Nắng nhiều hoa chóng nở, rét quá lại khó ra hoa, người trồng đào luôn canh cánh nỗi lo thời tiết.
Và những cành đào nở sớm lần lượt được chở mang đi bán.
Hoàng Hà

Người đàn ông bị trói, lột quần áo trong trời rét buốt

Anh Hùng bị nhóm người đưa lên xe Camry chở ra sát bờ sông Hồng trói tay chân và hành hung. Khi cảnh sát ập đến, nạn nhân thâm tím cơ thể, còn mỗi chiếc quần nhỏ để che thân.

Ngày 13/12, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã tạm giữ Nguyễn Thị Ngân (chủ nhà hàng Tre Place trên đường An Dương Vương) cùng nhóm nhân viên dưới quyền để làm rõ vụ tra tấn anh Phạm Tấn Hùng (42 tuổi, nhân viên cũ).
Chiều 12/12, Phạm Tấn Hùng (42 tuổi, ở Khánh Hòa) trình báo Công an phường Phú Thượng về việc bị 3 đồng nghiệp cũ trói tay chân, đánh đập, lột quần áo trên người... trong tiết trời giá rét.
Theo kết quả xác minh, ít tháng trước, anh Hùng đến làm việc tại quán ăn của Nguyễn Thị Ngân. Do nảy sinh mâu thuẫn với bà chủ, người này bị đuổi việc. Hùng và Nguyễn Thị Ngân vẫn thường xuyên gọi điện và nhắn tin nói xấu nhau.
Hôm xảy ra vụ việc (12/12), anh Hùng đến quán đòi chiếc điện thoại do hai nhân viên đang giữ. Vào quán, Hùng bị giữ lại và bị hành hung theo lệnh của bà chủ.
Thấy khách đến, một số người trong quán dùng dây vải trói tay đưa nạn nhân đưa lên chiếc Camry chở ra khu vực bờ sông tiếp tục đánh đập.
Thái Thịnh

12 thg 12, 2011

Bí mật trong "đế chế" FIFA (Phần 3 - Hết)


Hãng kiểm toán Ernst & Young cho biết gia đình ông phó Warner kiếm được ít nhất 1 triệu USD từ việc bán vé World Cup 2006 - điều mà, theo nguyên tắc, chỉ FIFA mới có tư cách pháp lý kinh doanh. Chưa hết, Warner còn bị cáo buộc "ăn đầu ăn đuôi" tiền thưởng (từ các nhà tài trợ) dành cho đội tuyển quốc gia Trinidad và Tobago khi họ tham dự World Cup 2006.
Sự ăn chia của các nhóm lợi ích
Lũng đoạn quyền hành dẫn đến sự ăn chia của các nhóm lợi ích liên quan đến FIFA không phải là điều chưa từng được nói. Trong tài liệu “Conflicting Interests and the 2010 FIFA World Cup” do tổ chức độc lập Viện Nghiên cứu an ninh thuộc Nam Phi với nhóm 8 tác giả tên tuổi ấn hành tháng 4/2010 đã cho thấy màn "mổ thịt" và chia phần "con bò" World Cup 2010 như thế nào. Một trong những gương mặt lâu nay nổi tiếng kiếm bộn tiền từ FIFA là ngài Phó chủ tịch Jack Warner... Với vị trí Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Caribe - Trung và Nam Mỹ (CONCACAF) - khu vực kiểm soát 35 phiếu bầu, Jack Warner có đủ quyền lực và khả năng để "bắt thóp" và khống chế Sepp Blatter. Tại quê nhà Trinidad và Tobago, Warner sở hữu nhiều siêu thị, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê và nhà kho. Đương sự cho biết mình cũng có vài doanh nghiệp "nho nhỏ" ở Mỹ và tất cả hoạt động kinh doanh đều nhờ tiền lương và bổng lộc từ FIFA - như chính Warner có lần nói với một phóng viên.
Theo Andrew Jennings, tác giả quyển “Foul! The Secret World of FIFA”, tài sản của Warner hiện khoảng từ 15-30 triệu USD. Thích phô trương, Warner chưng diện đỏm dáng như một anh trọc phú. Ông đeo càvạt hoa sặc sỡ, sơmi là thẳng cứng và giày đánh bóng lộn; và Warner đặc biệt thích đeo vàng. Ông đeo vàng đỏ chóe, từ chiếc đồng hồ vàng, 3 chiếc nhẫn vàng đến sợi dây chuyền vàng to như sợi xích. Ít ai biết rằng Jack Warner từng là kẻ khố rách áo ôm.
Câu chuyện Jack Warner bắt đầu vào tháng 1/1943, khi Warner ra đời và sống như "một thằng bé da đen nghèo khổ" - như chính ông nói - tại Rio Claro thuộc miền Nam Trinidad. Thằng bé nghèo này thích đi lễ nhà thờ và tỏ ra hiền đến mức thường xuyên bị bắt nạt trong trường. Học sư phạm, có lúc tham gia phong trào Quyền lực Đen tại Trinidad nhưng cuối cùng Warner tìm thấy vận hội với bóng đá. Với các hoạt động nổi bật trong xây dựng và phát triển bóng đá khu vực, năm 1983, Warner trở thành thành viên Ủy ban Điều hành FIFA và tranh cử thành công ghế Chủ tịch CONCACAF năm 1990.

Ông phó FIFA Jack Warner.
Từ khi ngồi ghế sếp CONCACAF, tiếng nói Jack Warner trở nên nặng ký hẳn. Nếu khu vực này cần một trung tâm phát triển bóng đá thì lý ra nó nên được đặt ở điểm giữa khu vực, Jamaica hoặc Cuba chẳng hạn. Tuy nhiên, Warner muốn nó phải nằm ở Trinidad và Tobago và chỉ Trinidad và Tobago chứ không đâu khác! Trung tâm bóng đá CONCACAF gồm 1 sân vận động 6.000 ghế với 3 sân tập, 1 hồ bơi, cụm văn phòng điều hành, sảnh hội nghị và nhà nghỉ Sportel Inn 50 giường.
Khi lên kế hoạch, Warner dự tính trung tâm thể thao CONCACAF tốn khoảng 16 triệu USD. Trong khi đó, tổng ngân sách phát triển cho toàn bộ khu vực giai đoạn 1999-2002 chỉ là 10 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc bầu cử ghế Chủ tịch FIFA gần kề và Blatter lại cần 35 lá phiếu đang nằm trong quyền sinh sát của Warner. Thế là dự án xây dựng Trung tâm Thể thao bóng đá CONCACAF đặt tại Trinidad và Tobago được chuẩn y, với toàn bộ ngân sách nói trên cộng thêm 6 triệu USD vay từ Ngân hàng UBS (Union Bank of Switzerland). 18 tháng sau lễ khánh thành trung tâm, FIFA gửi thư cho Warner, không phải để đòi nợ việc Warner chưa trả xu nào trong 6 triệu USD vay, mà là nói rằng họ sẵn sàng trả nợ thay cho Warner!...
Một gia đình nhỏ trong gia đình lớn FIFA
Cái gọi là "nhóm lợi ích" đã thể hiện rõ ở chỗ, hai cậu con của Warner, Daryan và Daryll, cũng kiếm được bộn  tiền nhờ uy tín của bố. Ngày 12/6/2001, Warner viết e-mail gửi Chủ tịch Blatter: "Tôi đã cống hiến cho FIFA với lòng trung thành và thậm chí còn hơn thế nữa trong 18 năm qua. Tôi cũng đã thấy không ít kẻ ít tận tụy hơn mình lại có thể cùng con cháu họ đang hưởng lợi từ FIFA...". Và do vậy, để cụ thể hóa việc thừa nhận đóng góp của Warner, cần phải làm điều đó, chẳng hạn giúp con ông giành được hợp đồng trong chương trình Chiến lược phát triển điện tử (e-Strategy) của FIFA. Đó là thời điểm FIFA chuẩn bị Giải vô địch U17 tổ chức tại Trinidad tháng 9/2001, khi một hợp đồng ngon ăn vừa bị vuột mất khỏi tay Daryan.
"Gia đình FIFA chỉ có thể tồn tại và không mảy may suy suyển nếu hậu duệ của nó thành tâm tin rằng ngôi nhà FIFA dành một chỗ cho chúng" - Jack Warner viết tiếp. Lời trần tình của ông Warner đã được FIFA "lắng nghe và thấu hiểu", với kết quả hợp đồng cung cấp nước giải khát và thức ăn cho tất cả 5 sân vận động tổ chức Giải vô địch U17 đều được trao cho Công ty Daryan...
Tại mùa giải trên, FIFA cũng đưa vào thử nghiệm hệ thống thông tin hiện đại dự tính được triển khai cho World Cup 2002. Hệ thống này giúp người hâm mộ tại các sảnh khách sạn hoặc những địa điểm công cộng có thể truy xuất tức thời kết quả trận đấu cũng như thông tin liên quan đến giải đấu. Một công ty lớn ở Dallas (Mỹ) đã giành được hợp đồng; tuy nhiên, Semtor, hãng phần mềm ở Florida, lại không tiếp cận được hợp đồng phụ (thi công trực tiếp).
Thế là Warner lại gửi thư riêng cho FIFA. Đơn giản bởi người quản lý dự án cho Semtor lại là cậu ấm Daryll của Warner! Kết quả, Semtor được quyền dựng hơn 10 kiốt truy cập thông tin tại những địa điểm công cộng cũng như lắp hệ thống truy cập tại khách sạn... Trong vụ kinh doanh trên, không chỉ Daryll kiếm được bộn mà cả bố Warner cũng bỏ túi được một ít, bởi thiết bị lắp cho các kiốt Semtor là từ nhà cung cấp TeamTalk (Anh), nơi Warner được thuê với tư cách cố vấn đặc biệt!
Ngày 16/11/2005, dân Trinidad và Tobago mừng như hội khi đội tuyển quốc gia họ thắng Bahrain, giúp Trinidad và Tobago lần đầu tiên có mặt tại vòng chung kết World Cup tổ chức năm sau tại Đức. Làm thế nào người hâm mộ Trinidad và Tobago có thể mua được vé sang Đức? Hãng du lịch nào đủ mạnh để đưa cổ động viên sang tận Đức? Chỉ có thể là Simpaul Travel Service - như quảng cáo của họ đăng nhan nhản trên các báo.
Với 30.000USD Trinidad (khoảng 4.000USD), người hâm mộ sẽ mua được vé cho 3 trận và nghỉ 12 đêm trong thời gian lưu tại Đức. Simpaul còn hào phóng tặng 1 túi du lịch, 1 áo phông, 1 lá cờ quốc gia và 1 băng vải đeo tay. Ai là chủ Simpaul với tư cách độc quyền khai thác vé World Cup? Chẳng người nào khác hơn là ngài Phó chủ tịch FIFA Warner, vợ ông (Maureen) và 2 con trai (Daryan và Daryll). Họ kiếm được khoảng 2.500USD mỗi vé World Cup trọn gói sang Đức. Không chỉ vậy, gia đình Warner cũng kiểm soát bản quyền khai thác các sản phẩm World Cup tại Trinidad và Tobago.


  Mạnh Kim

Bí mật trong "đế chế" FIFA (Phần 2)


Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó...
Một cuộc chiến pháp lý "gãi ngứa" FIFA
Phải mất 7 năm kể từ ngày Giám đốc Tài chính FIFA Erwin Schmid nhận được chiếc phong bì chứa tờ biên nhận chuyển tiền "bôi trơn" từ Tập đoàn ISL (International Sport and Leisure), “pháo đài” FIFA mới bị nã viên đạn pháo pháp lý.
Khoảng 10h30' sáng 3/11/2005, hoàn toàn bất ngờ, công tố viên Thụy Sĩ Thomas Hildbrand xuất hiện trước tổng hành dinh FIFA tại Zurich cùng đoàn thanh tra và tờ trát yêu cầu khám xét văn phòng ngài Chủ tịch Sepp Blatter và Giám đốc Tài chính kiêm Tổng thư ký Urs Linsi. Vụ "tấn công" chỉ được tiết lộ cho báo chí vào 3 tuần sau. Đó là màn khởi đầu cuộc so găng pháp đình giữa FIFA với giới thanh tra Thụy Sĩ. Và ai là kẻ bại trận?
Và 3 năm sau nữa, phiên xử ISL hối lộ cho FIFA mới bắt đầu. Điều tra cho biết, từ năm 1989 đến 2001 (thời điểm ISL phá sản), Tập đoàn tiếp thị thể thao lớn nhất thế giới ISL đã chi "hoa hồng" cho giới chức thể thao nói chung số tiền lên đến 138 triệu frăng Thụy Sĩ. Hai bị cáo Hans-Juerg Schmid và Christoph Malms (nguyên viên chức cấp cao ISL) thừa nhận, ISL đã chi nhiều khoản "bồi dưỡng" không lưu sổ sách để đảm bảo quyền ưu tiên được kinh doanh bản quyền truyền hình các trận đấu tại World Cup cũng như những sự kiện thể thao lớn.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ hối lộ, ISL thiết lập một mạng phức tạp với vô số công ty ma đặt tại nhiều nước - chẳng hạn Công ty Nunca, được dựng tại Vaduz (đảo quốc Liechtenstein) năm 1998; hoặc Sunbow được dựng trước đó 3 năm tại British Virgin Islands (cho đến khi sáp nhập vào Nunca ngày 8/2/1999). Những công ty ma này hoạt động bí mật đến mức không phải viên chức cấp cao nào ở ISL cũng biết. Giao dịch với Ngân hàng LGT (Đức), Sunbow có một tài khoản số 193.223.31.
Cuối tháng 5/1999 - theo tờ Der Spiegel - số tiền 36.130.220 frăng Thụy Sĩ được gửi vào tài khoản Sunbow ở LGT, chuyển đến từ tài khoản của Công ty Sporis Holding AG (thuộc ISL) từ Ngân hàng Banque Nationale de Paris, với bản ghi nhớ ghi vắn tắt "Phí mua bản quyền khai thác kinh doanh". Từ ngày 3/6/1999 đến 15/1/2001, tài khoản Sunbow tại LGT chỉ còn hơn 2 triệu frăng Thụy Sĩ. Giới điều tra cho biết, hơn 18 triệu frăng đã "được chuyển đến tài khoản những cá nhân liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các hợp đồng của ISL. Đó là những khoản hối lộ".
Cáo trạng 228 trang cho biết thêm, trong số người nhận có Nicolas Leoz (người Paraguay), lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) kiêm thành viên Ủy ban điều hành FIFA. Cụ thể, Sunbow đã chi 211.625 frăng Thụy Sĩ cho Leoz. Và trước Giáng sinh 1999, Muhidin Ndolanga - lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tanzania - cũng được "cám ơn" bằng món tiền "của ít lòng nhiều" là 15.975 frăng Thụy Sĩ. Cả Leoz lẫn Ndolanga đều bác bỏ cáo buộc...

Sepp Blatter và "ông-giỏ-tiền" Jean-Marie Weber.
Nổi bật nhất trong đường dây hối lộ là Jean-Marie Weber (nguyên Phó chủ tịch ISL), người được mệnh danh "ông-giỏ-tiền", một chuyên gia bậc thầy "đi cửa sau" chịu trách nhiệm về hoạch định chi tiết việc chi cho ai và chi bao nhiêu trong chiến lược hối lộ. Weber và Blatter biết nhau từ thập niên 70, khi cả hai cùng kề vai sát cánh với Horst Dassler (Tổng giám đốc điều hành Adidas), người sáng lập ISL năm 1982. Lúc đó, Blatter là Giám đốc Kỹ thuật FIFA và Weber là trợ lý riêng  của Dassler.
Sau khi Dassler chết trẻ (51 tuổi) bởi bệnh ung thư năm 1987, Weber bắt đầu thiết lập đường dây tham nhũng giữa ISL với giới chức thể thao khi đảm nhận sứ mạng "xây dựng các mối quan hệ". Điều đáng chú ý là Weber làm cho ISL mà không hề có hợp đồng lao động chính thức nhưng được hưởng "lương cơ bản hàng năm" là 870.000 frăng Thụy Sĩ.
Nhân vật bí hiểm này thiết lập hệ thống bôi trơn cho ISL qua công ty bình phong Sporis Holding AG. Bị cáo Christoph Malms (nguyên viên chức điều hành ISL) thú nhận rằng mình cảm thấy sốc khi nhận thấy hoạt động kinh doanh của ISL dựa chủ yếu vào “văn hóa hối lộ”. "Tôi được cho biết rằng công ty (ISL) không thể tồn tại nếu không chi những khoản trên" - Malms trình trước tòa. Bị cáo Hans-Juerg Schmid (nguyên Giám đốc Tài chính ISL) cũng thuật: "Nếu chúng tôi không chịu chi, các công ty khác sẽ nhảy vào giành được hợp đồng. Đây là một trong những hoạt động nhạy cảm nhất chuyện làm ăn"...
Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó. Weber bị phạt khoảng 56.000 frăng Thụy Sĩ tội biển thủ khoản tiền mà đương sự không thừa nhận; 2 người khác bị phạt tiền nhẹ hơn tội làm sai sổ sách kế toán và 3 người còn lại trắng án. Phần mình, FIFA bị phạt khoảng 94.000 frăng Thụy Sĩ tội "cản trở tiến trình điều tra" cùng tội "che giấu sự thật".
Câu hỏi lớn nhất đọng lại từ phiên xử - như lời cật vấn "vang vọng vào thinh không" của Chánh án phiên tòa Marc Siegwart đối với 6 bị cáo ISL, rằng "tôi muốn biết những ai cụ thể nhận được tiền của quý vị" - đã không bao giờ được các bị cáo trả lời (trong khi không hề có sổ lưu hay chứng từ chuyển khoản) và như vậy chẳng có bằng chứng nào thuyết phục quy kết giới chức FIFA. Chẳng trách khi được hỏi về kết quả phiên xử, Sepp Blatter đã nói rằng ông rất "hài lòng"!


  Mạnh Kim (tổng hợp)

Bí mật trong "đế chế" FIFA (phần 1)


Ai thu được lợi nhiều nhất từ World Cup 2010? Câu trả lời chắc chắn không phải nước chủ nhà Nam Phi. Theo Citi, phân nhánh nghiên cứu của Citibank, doanh thu FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) từ World Cup 2006 lên đến 1,8 tỉ USD và có thể đạt 3 tỉ USD ở World Cup 2010.
Đề cập đến FIFA, không chỉ có chuyện tiền nong. "Đế chế" FIFA - nếu có thể gọi như vậy - còn là những bí ẩn liên quan đến tham nhũng, hối lộ và những âm mưu hậu trường bí mật ít được biết...
FIFA và một thứ quyền lực phi biên giới
Tại một buổi tiệc năm 1998, João Havelange được hỏi rằng ông có cho mình là người quyền lực nhất thế giới không - loại câu hỏi thường chỉ thích hợp với nguyên thủ quốc gia. Nhưng, Havelange chỉ là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ như FIFA (Fédération Internationale de Football Association), một tổ chức quản lý trong lĩnh vực thuần túy thể thao, đã chẳng e ngại trả lời: "Tôi đã đến Nga hai lần, được Tổng thống (Boris) Yeltsin mời cơ đấy... Tại Italia, tôi đã diện kiến Giáo hoàng John Paul II 3 lần. Khi đến Arập Xêút, tôi được Vua Fahd tiếp như thượng khách. Anh có nghĩ một nguyên thủ có thể được người ta dành nhiều thời gian để tiếp đãi như bất cứ ai như thế hay không? Đó là thể hiện của sự kính trọng. Họ (nguyên thủ) có quyền của họ, còn tôi cũng có quyền của tôi: quyền lực của bóng đá, thứ quyền lực mạnh nhất".
Bây giờ, 12 năm sau, FIFA vẫn chứng tỏ họ có một thứ quyền năng vô song, mạnh hơn cả chính phủ các nước xét ở góc độ nào đó, cũng như những đại công ty đa quốc gia chấp nhận hạ mình để xếp hàng chầu chực đợi FIFA chiếu cố cho làm nhà tài trợ. FIFA bây giờ không còn giới hạn trong lĩnh vực thể thao. Họ đã trở thành cỗ máy tiếp thị cực kỳ chuyên nghiệp và có tiếng nói nặng ký tác động đến chính trị lẫn kinh tế. World Cup giúp mang lại lệnh ngừng bắn cho cuộc nội chiến đẫm máu ở Bờ biển Ngà; có thể khiến thị trường chứng khoán các nước bại trận (tại World Cup) ngã nghiêng ngã ngửa; có thể làm một quốc gia vốn chia cắt bỗng trở nên thống nhất và đoàn kết tinh thần dân tộc.
João Havelange, "vua" FIFA từ năm 1974 đến 1998 - từng được ca ngợi với thành tích đưa FIFA trở thành đế chế hùng mạnh và giàu có. João Havelange đã làm môi giới cho nhiều “cuộc tình mặn nồng” giữa FIFA với các nhà tài trợ, trong đó có Horst Dassler (con của Adi Dassler, người sáng lập Hãng thể thao Adidas).
Như John Sugden và Alan Tomlinson viết trong quyển “Great balls of fire: How big money is hijacking world football”: "Havelange đã nhận ra tầm quan trọng của giới tài trợ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển tương lai của bóng đá". Tuy nhiên, chính Horst Dassler (mất năm 1987) cũng đã đem lại nhiều rắc rối cho FIFA. Năm 1982, ông thành lập Công ty tiếp thị International Sport and Leisure (ISL). Vài tháng sau, ISL trở thành nhà quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính và kinh doanh của FIFA.
Năm 2001, ISL phá sản, nợ nần be bét. Điều trớ trêu là không phải bóng đá đưa ISL vào tình trạng nguy kịch mà chính cung cách làm ăn của công ty: ISL dự tính tham gia thị trường chứng khoán và chuẩn bị mua hàng loạt bản quyền thuộc các ngành thể thao khác, như hợp đồng 1,2 tỉ USD mua tiền bản quyền tennis trong 10 năm. Sự sập tiệm của ISL tạo ra một lỗ thủng tài chính cho FIFA và cũng làm lộ tẩy nhiều bí mật động trời.
Đương kim Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cho biết, FIFA mất hơn 32 triệu USD bởi vụ ISL nhưng (nguyên) Tổng thư ký Zen-Ruffinen cho rằng, số tiền trên thật ra gần 116 triệu USD. Trong chiến dịch hạ bệ (bất thành) Sepp Blatter, Zen-Ruffinen còn cáo buộc vị chủ tịch FIFA đã che đậy vụ Công ty Kiểm toán KPMG (một trong những công ty chịu trách nhiệm kiểm tra sổ sách kế toán của FIFA) có những hoạt động mờ ám, trong đó có vụ phát hành trái phiếu trị giá 420 triệu USD.
Theo Zen-Ruffinen, FIFA đã thiệt hại 500 triệu USD cho những hoạt động sai nguyên tắc tài chính, từ ngày Sepp Blatter lên ngồi ghế chủ tịch (1998) đến kỳ World Cup 2002. Tại World Cup 2010, FIFA vẫn không thoát khỏi cáo buộc tham nhũng.
Tờ Time (14/6/2010) cho biết, quyền kinh doanh vé và du lịch trọn gói đến Nam Phi năm nay đã được trao cho Công ty Thụy Sĩ Match Hospitality vốn thuộc sở hữu từ một công ty mẹ mà sếp của nó không ai khác là cậu cháu ruột Philippe của Sepp Blatter!

Bản quyền truyền hình World Cup đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho FIFA.
Chuyện một chiếc phong bì
Mùa đông 1998, tại trụ sở chính của FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ). Lúc đó là 7h sáng. Trong tầng hầm chứa thư, nhóm nhân viên đang phân loại các loại thư tín, fax và telex để chuyển đến các phòng ban. Tin về kết quả các trận bóng, những vụ chuyển nhượng cầu thủ, đơn xin trợ cấp từ các liên đoàn bóng đá quốc gia... tất cả đều được cập nhật đến tổng hành dinh cơ quan quản lý thể thao lớn nhất thế giới này. Đó là buổi sáng mà Erwin Schmid - Giám đốc Tài chính FIFA - nhận được một phong bì, gửi từ Ngân hàng UBS (Union Bank of Switzerland). Xé bao thư, Erwin xem chăm chú tờ biên nhận chuyển tiền. Gương mặt phúng phính của ông trở nên xanh nhợt. Ông xem kỹ lần nữa. Có gì không ổn. Có gì đó rất không bình thường.
Erwin vội vàng cầm phong bì đi ra hướng thang máy. Hai tầng phía bên trên, Tổng thư ký FIFA Joseph "Sepp" Blatter đang thư thả tựa lưng vào chiếc ghế da và đọc tờ báo yêu thích Neue Zurcher Zeitung. Chiếc tivi JVC khổng lồ đang tắt. Giờ này vẫn còn sớm để xem trận tennis mà ông thích. Phòng của Chủ tịch FIFA João Havelange chỉ ở trên cách một tầng nhưng hôm nay Havelange không có mặt. Ông về thăm quê nhà Brazil. Mọi việc được giao cho Sepp Blatter. Với Erwin, điều ông vừa phát hiện thật khó có thể chấp nhận và tin đó là sự thật, đặc biệt liên quan đến bạn mình, lại là người bạn thân nhất. Erwin từng nói với đồng nghiệp: "Cả đời tôi chỉ có một người bạn và người đó là Blatter".
Đứng trong thang máy đi lên tầng lầu Blatter, tim Erwin như muốn chùng xuống. 3 năm qua, Blatter được giao giám sát các thương vụ World Cup 2002 và 2006 - từ bản quyền bán cho các nhà đài khắp thế giới, bản quyền được phép khai thác logo FIFA đến việc được đồng ý cho in chữ "World Cup" lên lon nước ngọt và vô số sản phẩm khác. Tất cả việc kinh doanh trên đều liên quan trực tiếp ISL.
Trong nhiều năm, có vô số lời ong tiếng ve xì xầm về mối quan hệ không lành mạnh giữa FIFA và ISL, chẳng hạn các tin đồn về việc ISL hối lộ viên chức cấp cao FIFA để được độc quyền khai thác bản quyền World Cup. Tuy nhiên, Erwin gạt ngoài tai tất cả thị phi trên, cho rằng đó là thái độ của bọn "trâu buộc ghét trâu ăn". Chẳng có bằng chứng gì cả... Thế mà bây giờ ông đang cầm trong tay một bằng chứng cực kỳ thuyết phục.
Đi dọc hành lang lót thảm, Erwin đến phòng Blatter, lòng trĩu nặng. Chẳng rào trước đón sau, Erwin đưa tờ biên nhận chuyển tiền cho ngài Tổng thư ký, với nội dung ISL đã chuyển 1 triệu frăng Thụy Sĩ (khoảng 876.000 USD) vào tài khoản FIFA. Tất cả cho thấy đây là biểu hiện của một "lời cảm ơn" đầy ý nghĩa (...tiêu cực!), liên quan đến thương vụ nào đó. "Trời ạ" - Blatter gầm lên và đứng phắt dậy - "Đây là sai sót gì đó chứ. Khoản tiền này đâu liên quan gì đến chúng ta!".
Tất nhiên Erwin cũng hiểu rõ tương tự. Vậy bây giờ Blatter làm gì? Gọi cảnh sát? Tường trình sự việc lên Hội đồng điều hành hoặc Hội đồng tài chính FIFA? Đó là những điều ít nhất cần làm để chứng tỏ mình trong sạch và không liên quan đến các vụ "ăn bẩn". Tuy nhiên, Blatter đã chẳng làm như vậy. Thay vào đó, ông hành xử theo cách như một thủ đoạn bưng bít. Khoản tiền trên đơn giản được rút khỏi tài khoản FIFA và chuyển vào tài khoản cá nhân của một viên chức cấp cao FIFA!

Blatter và Urs Linsi.
Ngày 23/1/2004, tại khách sạn Abou Nawas ở Tunis (thủ đô Tusinia). Cánh phóng viên từ Cairo (Ai Cập), Cape Town (Nam Phi), Yaoundé (Cameroon), Nairobi (Kenya) bắt đầu tề tựu đông đủ cho buổi họp báo. Phía sau bục diễn giả, người ta thấy bức ảnh Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ngạo nghễ với bộ trang phục đính đầy huy chương. Đất nước Tunisia của ông nổi tiếng với lòng hiếu khách; đặc biệt trong tuần lễ đó, khi hàng ngàn người hâm mộ từ nhiều nước châu Phi đến để cổ vũ cho vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Phi 2004. Tất nhiên Sepp Blatter không thể không có mặt; bây giờ với tư cách là Chủ tịch FIFA. Ngồi cạnh Blatter là Issa Hayatou (người Cameroon), Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi trong 16 năm.
Từng là vận động viên điền kinh và có lần đoạt chức vô địch đường chạy 800m, Hayatou trông có vẻ mệt mỏi vì tuổi tác và cũng bởi hao tổn tinh lực trong cuộc chiến giành ghế chủ tịch với Blatter 18 tháng trước. Đích thân Hayatou đã viết thư gửi Phòng Công tố Zurich, buộc Blatter tội tham nhũng và yêu cầu tổ chức điều tra. Chiến dịch của Hayatou đại bại. Blatter vẫn phây phây và giành được 2 nhiệm kỳ liên tiếp ghế chủ tịch. Phòng Công tố Zurich nói rằng họ không đủ chứng cứ để truy tố Blatter. Ai cũng biết rồi Hayatou sẽ phải trả giá đắt tội "khi quân phạm thượng" với ngài Blatter.
Hôm qua, 22/1/2004, khi Hayatou tái tranh cử ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi, Blatter đã vận động để Ismail Bhamjee (người Botswana) được ủng hộ. Tuy nhiên, nhờ lá phiếu từ các nước nói tiếng Pháp, Hayatou lại tái đắc cử... Ngồi bên trái Blatter là Tổng thư ký FIFA Urs Linsi. Tương tự Blatter, Linsi cũng xuất thân từ khu vực nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ. Giống sếp Blatter, Linsi cũng hói đầu. Từ khi vào FIFA lúc chuyển đến từ Ngân hàng Credit Suisse năm 1999, Linsi đã trở thành cánh tay phải đắc lực của Blatter với vị trí Giám đốc Tài chính.
Khi (nguyên) Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen ủng hộ Hayatou ghế chủ tịch, Linsi vẫn tỏ ra trung thành với Blatter. Sau khi lá phiếu cuối cùng (bầu chủ tịch) được đếm ở Seoul vào tháng 5/2002, người chiến thắng Blatter đã gào lên với một phóng viên Thụy Sĩ: "Ngày mai, chúng tôi sẽ xử "Ngài Trong sạch" cho các vị xem!". Thế là "Ngài Trong sạch" Zen-Ruffinen bị đá văng. Linsi vừa đảm nhận ghế tổng thư ký vừa tiếp tục giữ ghế Giám đốc Tài chính (cho đến năm 2007, khi Linsi rời FIFA)...
Tại cuộc họp báo hôm đó ở khách sạn Abou Nawas, Blatter rất vui vẻ và trả lời một cách thoải mái. Đột nhiên Andrew Jennings (phóng viên điều tra lừng danh người Anh chuyên khai thác đề tài tham nhũng trong thể thao) vớ micro và "làm khó" ngài chủ tịch với câu hỏi: "Sau hợp đồng bản quyền truyền hình và tiếp thị gần đây nhất ký với ISL cho mùa World Cup 2002 và 2006, một khoản chi bí mật gồm 1 triệu frăng Thụy Sĩ đã được ISL gửi vào tài khoản FIFA
 Chính ông, lúc ấy với tư cách tổng thư ký, lại chỉ thị "gỡ" nó ra khỏi tài khoản FIFA và lập tức gửi đến tài khoản riêng của một viên chức FIFA. Vậy người đó là ai?". Cúi xuống bàn vài giây, Blatter nói rằng, ISL hiện nằm trong tay thanh lý viên (kiểm soát các vấn đề liên quan phá sản công ty) và rằng "tôi sẽ không tranh luận trong buổi họp báo này và tôi nghĩ nó hoàn toàn lạc đề khi chúng ta có mặt hôm nay ở châu Phi cùng các nhà báo châu Phi để nói về sự phát triển của bóng đá châu Phi...".
Tất nhiên, nhà báo Jennings không chịu thua. Cuộc điều tra của ông sau đó đã làm lộ ra nhiều mảng tối u ám trong “đế chế” FIFA...

Sinh ngày 10/3/1936, trước khi bước vào sự nghiệp bóng đá, nhà kinh tế học Joseph "Sepp" Blatter là Chủ tịch Ủy ban Du lịch Valaisan (Thụy Sĩ) và sau đó là Tổng thư ký Liên đoàn Khúc côn cầu trên băng Thụy Sĩ (năm 1964). Kế đó, ông tham gia lĩnh vực báo chí và các hoạt động liên quan thể thao. Với tư cách Giám đốc Ủy ban Đối nội của Longines, Blatter có mặt trong Ban tổ chức Olympic 1972 và 1976.
Mùa thu 1975, với chức Giám đốc Chương trình Phát triển kỹ thuật FIFA, Blatter thực hiện thành công nhiều dự án của (cựu Chủ tịch FIFA) João Havelange. Năm 1981, Blatter được bầu làm Tổng thư ký FIFA rồi Tổng giám đốc điều hành từ năm 1990. Trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA năm 1998, Blatter thắng Lennart Johansson ở tỉ lệ 111/80...
(Còn nữa)


  Mạnh Kim (tổng hợp)

Huyện Từ Liêm “phớt lờ” chỉ đạo của Thành phố

Nếu tôi là quan huyện Từ Liêm: "Tôi đã nói rồi, đây là một thế giới riêng của tôi. Các anh đừng lấn sang mảnh đất màu mỡ của chúng tôi."  Và đây là nội dung trong trang Dân trí, mời bạn cùng theo dõi.


Trước việc huyện Từ Liêm “phớt lờ” Công văn số 330/TB-UBND của Thành phố về việc chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB dự án Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Trung. Hơn 20 hộ dân tại đây đã gửi đơn kiến nghị đến Báo Dân trí.
Đại diện các hộ dân bị thu hồi đất đang trình bày vụ việc tại tòa soạn Báo Dân trí
 
Trong đơn kiến của hơn 20 hộ dân tập thể dân cư tổ 36, khu vườn cam, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm gửi đến Báo Dân trí phản ánh: Ngày 6/10/2004, UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 6592/QĐ-UB về việc thu hồi và tạm giao 33.000m2 đất tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm cho Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam để điều tra số liệu GPMB, chuẩn bị lập dự án đầu tư xây dựng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Trung, đi kèm theo đó là Quyết định số 4202/QĐ-UBND ngày 23/10/2007 về việc giao cho Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam sử dụng chính thức 33.000m2 đất tại Mễ Trì, Từ Liêm để tiếp tục GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Trung…
Ngay sau khi nhận được thông tin, dự án xây dựng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Trung sẽ được triển khai xây dựng, hơn 20 hộ dân nằm diện tích đất dự án bị thu hồi đều có chung một nguyện vọng, ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án được hoàn thành để công trình sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng một cách sớm nhất.
Để thúc đẩy dự án này sớm được triển khai, ngày 16/9/2010, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 330/TB-UB chỉ đạo về việc giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB dự án Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Trung tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm.
24 hộ dân kiến nghị huyện Từ Liêm thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo
của Thành phố tại công văn số 330/TB-UBND ngày 16/9/2010.
Theo công văn này, Phó chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo: Đối với các hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trong thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 không còn nơi ở nào khác (trong đó có một số hộ đã bị xử phạt hành chính, các hộ này không được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ như các trường hợp bị thu hồi đất ở): Đồng ý xét giao đất tái định cư cho các hộ dân với hạn mức tối thiểu…
Mặc dù công văn chỉ đạo rõ ràng như vậy, không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Từ Liêm không thực hiện đúng ý kiến trên. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng UBND huyện Từ Liêm cố tình “phớt lờ” chỉ đạo của UBND Thành phố?
Mặt khác, tại bản dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất ngày 29/10/2011 thì UBND huyện Từ Liêm có căn cứ vào Công văn số 330/TB-UB Thành phố nhưng cơ quan này không thực hiện đúng như theo chỉ đạo của Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh.
Ngày 12/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Lưu Văn Thành, đại diện các hộ dân có đơn kiến nghị cho biết: 24 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Trung rất sẵn sàng bàn giao đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của UBND huyện Từ Liêm còn có cách đánh giá khác nhau, chưa công bằng, không đúng pháp luật. Do vậy, các hộ dân mong muốn UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ các nội dung kiến nghị trên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của 24 hộ dân bị thu hồi đất.
Vũ Văn Tiến - Thu Hà

Bay Hà Nội - TP.HCM rẻ hơn mua... bánh mỳ!

Theo Dantri, chúng tôi đã thấy thông tin này! Các bạn vào mua vé tại đây:
Khoảng 2.000 vé máy bay với giá 10.000 đồng/lượt của VietJet Air (VJA), chặng bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại sẽ được mở bán từ ngày mai (14/12). Đây được xem là mức giá rẻ nhất từ trước tới nay và được phục vụ như các hạng vé khác.
Vé máy bay bán với giá 10.000 đồng áp dụng cho các chuyến bay khởi hành trong thời gian từ ngày 25/12/2011 - 30/4/2012. Chương trình chỉ áp dụng cho phương thức mua vé trên website www.vietjetair.com và thanh toán ngay bằng thẻ Visa hoặc Master Card.
Vé 1.000 đồng của VJA vẫn được phục vụ như các hạng vé khác
Đại diện Thương mại của VJA cho biết: “VJA thực hiện chương trình giá vé rẻ nhằm mang lại cho nhiều người cơ hội được đi lại bằng đường hàng không với chi phí thấp trên các chuyến bay an toàn, chất lượng và thân thiện. Tuy nhiên, trên mỗi chuyến bay chỉ có một tỷ lệ nhỏ số lượng vé khuyến mại với giá đặc biệt thấp.
Tất cả các hành khách trên những chuyến bay của VJA đều được phục vụ như nhau, bất kể mua vé giá nào. Với giá vé cực thấp của đợt khuyến mại này, lượng người quan tâm cao, trong khi lượng vé trên mỗi chuyến bay không nhiều thì việc đặt chỗ qua internet để mua được vé cũng đòi hỏi khách hàng phải kiên nhẫn hơn”.
VJA là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép bay trong nước và quốc tế, hoạt động theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp với tiêu chí cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách an toàn, thân thiện và tiện nghi ở các mức giá vé thấp và linh hoạt.
Được biết, chuyến bay thương mại đầu tiên của VJA sẽ khởi hành ngày 25/12 tới đây và khai thác bằng tàu bay Airbus A320 mới trên 3 trục đường nội địa chính là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Từ giữa năm 2012, VJA có kế hoạch mở rộng mạng đường bay tới các tỉnh thành khác của Việt Nam và các điểm đến trong khu vực.
Quỳnh Anh