29 thg 12, 2011

Phát khiếp với kiểu phơi quần áo giữa phố Hà Nội

Quần áo phơi vô tội vạ ngay giữa đường, trên cây... là những hình ảnh dễ nhận thấy trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.


 Nhiều gia đình không có chỗ trống để phơi quần áo, đã tận dụng những cây xanh trước phố để phơi quần áo như thế này.

Nhà hát lớn HN: Vẻ đẹp thế kỷ qua ảnh xưa

 



 Khánh thành vào đêm 9/12/1911, đến nay đã tròn 100 năm, Nhà hát lớn Hà Nội tồn tại và trở thành nhân chứng nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. 

Hà Nội: Phát hiện 23 tấn chân bò thối

Tối 28/12, lực lượng chức năng Hà Nội đã tiến hành bắt giữ trên 23 tấn chân bò không rõ nguồn gốc tại số nhà 28, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.


Kiểm tra tại địa điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện một xe container biển số ghi trên đầu kéo là 60P-2068 chứa 20 tấn chân bò thối. Cơ quan chức năng còn tịch thu trên 3 tấn chân bò thối, đang trong quá trình phân hủy trong hai kho đông lạnh của số nhà trên. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Số chân bò thối bị thu giữ tại số nhà 28, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Ảnh: TTXVN)

Lái xe Lê Văn Đối (quê Yên Khánh, Ninh Bình) bước đầu khai nhận, đã thu gom số hàng trên để mang vào tỉnh Bình Dương tiêu thụ. Toàn bộ số hàng trên hiện đã bị cơ quan chức năng thu giữ để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phí đăng ký ôtô tăng gấp 10 lần

UBND TP.Hà Nội vừa chính thức ban hành quy định về mức phí đăng ký và trông giữ ô tô, xe máy trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2012. Theo đó, hầu hết các loại phí đều tăng.


Phí gửi ôtô theo lượt sẽ tăng (Ảnh: VietNamNet)
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2012, lệ phí đăng ký với ô tô dưới 10 chỗ tăng tới 10 lần so với hiện tại, từ mức 2 triệu đồng/xe lên 20 triệu đồng/xe. Lệ phí đăng ký xe máy cũng tăng gấp 2 lần: từ 1 triệu đồng/xe lên 2 triệu đồng/xe (đối với xe trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng) và từ 2 triệu đồng/xe lên 4 triệu đồng/xe (đối với xe trị giá trên 40 triệu đồng). Riêng với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống thì không tăng mức lệ phí, chỉ để mức lệ phí tối thiểu (500.000 đồng/xe).
Từ 1/1/2012, phí gửi ôtô theo lượt cũng tăng. Cụ thể, phí trông giữ ôtô theo lượt sẽ tăng từ 20.000 - 40.000 đồng đối với xe dưới 10 chỗ và xe tải 2 tấn trở xuống, tùy theo các quận trung tâm và các tuyến phố hạn chế dừng, đỗ hoặc các huyện ngoại thành. Mức phí đề xuất với xe từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 2 tấn là 25.000 - 50.000 đồng. Mức phí cao nhất được áp dụng cho 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa).
Với xe trông giữ theo tháng, cao nhất vẫn là mức phí trông giữ ôtô tại các bãi có mái che ở 4 quận nội thành cũ, trong đó xe dưới 10 chỗ ngồi là 1,1-1,6 triệu đồng. Cá biệt, tại một số tuyến phố bị hạn chế dừng, đỗ xe trong nội thành, mức phí trông giữ theo tháng lên tới 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Tại những chung cư, trung tâm thương mại được đầu tư trông giữ xe hiện đại, mức thu phí cao nhất là 3 triệu đồng/ôtô dưới 9 chỗ/tháng. Tại những chung cư, trung tâm thương mại khác, phí trông giữ dao động từ 0,8 - 1,8 triệu đồng/tháng.
Riêng mức phí trông giữ xe đạp, xe máy vẫn giữ nguyên như hiện tại. Cụ thể, phí trông giữ xe máy vẫn là 2.000 đồng/lượt/ngày; 3.000 đồng/lượt/đêm; 45.000 đồng/xe/tháng. Phí trông giữ xe đạp là 1.000 đồng /lượt, 25.000 đồng/xe/tháng. Với các huyện ngoại thành, mức thu phí trông giữ xe sẽ là 500 đồng/xe đạp/lượt và 1.000 đồng/xe máy/lượt.
Thu Hằng (tổng hợp)

26 thg 12, 2011

Làm ăn lỗ, lương cứ cao

"Phải giám sát thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán. Khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn Nhà nước lại kêu lỗ, tức là thế nào cũng giải thích được", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng nói về bất cập trong mức lương, thưởng cao ngất ngưởng ở các tập đoàn kinh tế, bên lề hội thảo về cải cách lương hôm qua ở Hà Nội.



Không kiểm soát được lỗ lãi của DN

Lương tại các tập đoàn kinh tế nhà nước đều cao gấp nhiều lần so với mức lương bình quân của người lao động, gây ra bất bình đẳng. Lãnh đạo các tập đoàn đều lập luận rằng, hệ số lương đã được Bộ Lao động và Bộ Tài chính chấp thuận. Vậy theo ông có nên duy trì tình trạng này không? - Khó khăn chính là hiện nay chúng ta chưa tìm ra được cơ chế quản lý hiệu quả. Nhà quản lý mới chỉ nhằm vào quản lý tiền lương trong khi đáng lẽ phải quản lý đồng bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán, nếu không, DN sẽ có hai sổ.Ảnh: Lê Nhung
Những DN này đều làm ăn dựa trên cơ sở nguồn vốn Nhà nước giao, và đó đều là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt như khai thác tài nguyên: dầu khí, than… kinh doanh độc quyền.  Thế là dẫn đến tình trạng không minh bạch, giữa một bên là lợi thế của Nhà nước mang đến cho anh và giá trị gia tăng có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì đang nhập nhèm như vậy nên kết quả là sẽ đẩy đơn giá tiền lương tối thiểu lên và các DN trả lương hệ số cao thì lương cũng sẽ cao lên theo.
Vậy là DN trả lương cho lao động là ăn dần vào tài sản nhà nước chứ không phải dựa trên hiệu quả kinh doanh. Dù làm ăn lỗ thì lương vẫn cao.
Tình trạng bất cập này có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân rõ ràng là do chính sách, cơ chế. Nhà nước không kiểm soát được lỗ lãi của DN.
Do đó, nếu lấy tiền từ phần giá trị gia tăng làm ăn kinh doanh mà ra thì chắc chắn lỗ, lấy đâu ra tiền để trả lương, nói gì đến trả lương cao như vậy.
Đây cũng là lý do để nhiều lãnh đạo DN  tìm cách giải thích về chuyện làm ăn thua lỗ. Họ cho rằng sở dĩ lỗ như vậy là do Nhà nước định giá, không cho DN đi theo cơ chế giá thị trường.
Với các phê phán về kinh doanh ngoài ngành, họ lại biện bạch rằng nguồn vốn đầu tư ra ngoài là vốn của đơn vị chứ không phải lấy tiền từ ngân sách, và hiện đang rút dần về. Tất cả những lý luận đó là không rõ ràng và hoàn toàn ngụy biện.
Do đó, tôi cho rằng phải phân biệt rạch ròi phần lợi thế mang lại do độc quyền, để tách bạch với hiệu quả kinh doanh. 

Giám sát, minh bạch

EVN chỉ công bố lương khi có kết quả kiểm toán. Vậy còn với các DNNN khác cũng hoạt động trong lĩnh vực độc quyền thì nên kiểm tra, giám sát như thế nào?
- Quan trọng nhất là giám sát báo cáo tài chính. Đây là nghiệp vụ mà Bộ Tài chính phải làm. Báo cáo tài chính phải trung thực và được kiểm định.
Thứ hai là hệ thống kiểm toán (kiểm toán nhà nước) và kiểm toán độc lập. Tiếp nữa là điều tiết bằng loại thuế điều tiết đặc biệt. Với những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cần phải đánh vào thuế tài nguyên, ví dụ khai thác than, dầu khí. Hoặc phải tách ra phân biệt rõ đầu tư của nhà nước và giá trị gia tăng do DN làm ăn mà có được.
Phải bằng công cụ thuế và tài chính thì mới làm rõ được. Nếu đạt hiệu quả cao thì mới được hưởng lương cao tương ứng.
Cơ bản nhất là phải nắm được hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới điều tiết, giảm sát được. Nếu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao thì tiền lương anh cao không vấn đề gì.
Cải cách tiền lương đối với DN đã hoạt động theo cơ chế thị trường thì không vấn đề gì nhưng với DNNN độc quyền thì rất nhiều vấn đề.
Trong chiến lược cải cách tiền lương lần này, cần khắc phục các bất cập trên ra sao thưa ông?
- Cải cách tiền lương trong DNNN gắn liền với giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt giám sát kết quả đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giám sát lương chỉ chiếm 8% doanh thu còn lại hàng mấy chục phần trăm kia không bao giờ quản được.
Thứ hai, phải thực hiện nguyên tắc rất quan trọng là trả lương theo năng suất lao động và kết quả đầu ra của DN. Kết quả đầu ra không phải là doanh thu mà là giá trị gia tăng, trong đó có vấn đề quản lý lợi nhuận.
Thêm nữa, phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán, nếu không DN sẽ có hai sổ. Họ sẽ làm rất nhiều phương án, khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn Nhà nước lại kêu lỗ, thế nào cũng giải thích được.



     Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường: Tôi cho rằng cùng với đợt cải cách chính sách về tiền lương, những bất hợp lý chắc chắn sẽ được xem xét, điều chỉnh để tạo mặt bằng hợp lý về thu nhập giữa công chức và doanh nghiệp, không thể để tình trạng khoảng cách quá xa như hiện nay.
Tôi biết là đang có những tính toán cải cách cho vấn đề này. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu vì còn phải cân đối để phù hợp với lộ trình quản lý hoạt động khối DNNN nói chung.

25 thg 12, 2011

Triệu phú chứng khoán Việt Nam giảm một nửa

Theo danh sách sắp được VnExpress.net công bố, số người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt ngưỡng triệu phú đôla năm nay giảm xuống hơn 270, so với 450 của năm 2010.

2011 là năm thứ 6 liên tiếp VnExpress công bố danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
2011 là năm thứ 6 liên tiếp VnExpress.net công bố danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo thông lệ hàng năm, các danh sách Top 100 người giàu, Top 50 phụ nữ và Top 30 gia đình có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán sẽ lần lượt được VnExpress.net công bố tới bạn đọc trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011 và những ngày đầu tháng 1/2012.
Trải qua một năm nhiều sóng gió, tài sản của những cá nhân nắm nhiều cổ phiếu nhất trên sàn chứng khoán cũng sụt giảm rất mạnh.
Theo số liệu ước tính đến cuối tháng 12/2011, tổng tài sản của 100 người giàu nhất sàn chứng khoán đạt trên 55.000 tỷ đồng. Tuy vẫn tương đương đương trên 10% vốn hóa của 2 sàn niêm yết nhưng so với con số 90.000 tỷ đồng của năm 2010, mức sụt lên tới gần 40%. Sự phân hóa trong Top 100 cũng trở nên rõ ràng hơn khi 20 cá nhân đứng đầu danh sách giữ khối lượng tài sản lên tới hơn 41.600 tỷ đồng (tương đương 75%, so với mức 67% của năm trước).
Top 100 năm nay tiếp tục phải nói lời chia tay với gần 20 thành viên, phần vì bán bớt cổ phiếu, phần vì chuyển đổi sở hữu sang doanh nghiệp gia đình nhưng chủ yếu do giá cổ phiếu sụt giảm. Nếu như năm 2010, toàn sàn chứng khoán có hơn 450 triệu phú đôla thì con số của năm nay chỉ còn lại hơn một nửa - 270. Số cá nhân có tài sản trên 1.000 tỷ đồng cũng giảm từ con số 19 xuống 9. Người đứng đầu Top 100 vẫn tiếp tục lỡ hẹn với danh hiệu tỷ phú đôla.
Tuy nhiên, trên bức tranh ảm đạm chung của thị trường, danh sách của VnExpress.net vẫn ghi nhận được nhiều điểm sáng với sự thăng tiến của nhiều gương mặt mới - lần đầu xuất hiện trong Top 100 hoặc đạt được những bước nhảy vọt về thứ hạng. Trong bối cảnh khó khăn, cổ phiếu mà các cá nhân này nắm giữ vẫn được thị trường đánh giá cao, tăng giá mạnh - chủ yếu nhờ kết quả quản trị, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp mà họ làm cổ đông. Tài sản của một số cá nhân, nhờ đó, vẫn tăng 1.000 tỷ đồng trong năm qua.
Trong lần công bố danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán lần thứ sáu, VnExpress.net nhận được sự hỗ trợ từ đối tác cung cấp dữ liệu là Công ty chứng khoán VNDIRECT. Trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin công bố của 723 doanh nghiệp niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM, danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán sẽ được công bố ngay sau khi chốt số liệu của phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011 vào ngày 30/12. Tiếp đó, các danh sách 50 phụ nữ và 30 gia đình giàu nhất sẽ lần lượt đến với bạn đọc trong những ngày đầu năm mới.
Danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán qua các năm:
Năm Họ và tên Tài sản
2006 Trương Gia Bình - Công ty FPT 2.354
2007 Đặng Thành Tâm - Tập đoàn Tân Tạo, Kinh Bắc 6.293
2008 Đoàn Nguyên Đức - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 6.159
2009 Đoàn Nguyên Đức - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 11.439
2010 Phạm Nhật Vượng - Tập đoàn Vincom 15.775
2011 Sắp công bố 16.700*
Đơn vị: Tỷ đồng, (*): Ước tính
Năm ngoái, ông chủ của Vincom - Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với số tài sản gần 15.775 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo trong Top 5 thuộc về Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (gần 11.880 tỷ đồng), Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc Đặng Thành Tâm (5.180 tỷ đồng), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long (hơn 2.960 tỷ đồng) và Chủ tịch Công ty phát triển bất động sản Phát Đạt - Nguyễn Văn Đạt (hơn 2.600 tỷ đồng).
VnExpress.net

Cười cuối tuần: Đại ca ra tay

Một anh tướng rất du đãng, sau khi nhậu ở quán bia ôm ra. Thấy mình bị mất xe, liền đi trở vào, móc súng ra và lớn tiếng: "Thằng nào lấy xe của tao?"

Ai cũng sợ và im tiếng. Anh ta nói tiếp:
- Tao uống xong chai bia, mà không thấy xe tao bên ngoài tao sẽ làm như đã làm ở bên Khánh Hội cách đây 2 ngày.
Sau khi uống xong chai bia anh ta bước ra ngoài thấy xe ở chỗ cũ. Anh bồi bàn đến gần và hỏi nhỏ:
- Vậy đại ca đã làm gì cách đây 2 ngày bên Khánh Hội?
- Thì tao bị mất xe, sau đó ngồi chờ không thấy, rồi tao đi bộ về nhà.
Chie sưu tầm

Biểu tình phản đối bầu cử tiếp tục nổ ra tại Nga

Vài chục nghìn người tuần hành tại thủ đô Moscow của Nga hôm qua để phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm 4/12 và yêu cầu bỏ phiếu lại.

Hàng chục nghìn người Nga
Hàng chục nghìn người Nga tập trung tại thủ đô Moscow hôm 24/12 để phản đối kết quả bầu cử quốc hội. Ảnh: AP.
Những người biểu tình tập trung tại đại lộ Sakharov ở thành phố Moscow. Cảnh sát ước tính số người tham gia cuộc biểu tình vào khoảng 30.000, song các lãnh đạo phe đối lập thông báo 120.000 người tuần hành trên đường phố, RIA Novosti đưa tin.
Cuộc biểu tình diễn ra sau khi hàng chục nghìn người tuần hành phản đối và ủng hộ kết quả bầu cử quốc hội Nga cách đây gần ba tuần. Người biểu tình lên án những nghi ngờ có "hành vi gian lận" trong quá trình bỏ phiếu và kêu gọi tổ chức lại cuộc bầu cử.
Boris Nemtsov, cựu thủ tướng Nga, cũng tham gia cuộc tuần hành. Ông kêu gọi người biểu tình tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới, song không bỏ phiếu cho đương kim Thủ tướng Vladimir Putin.
Lần này Điện Kremlin phản ứng khá nhanh chóng, với việc người phát ngôn của Tổng thống Dmitry Medvedev thông báo chính phủ sẽ thực hiện những cải cách chính trị. Những cải cách đó được thực thi nhằm nới lỏng các hạn chế đối với các chính đảng.
“Sau khi dự luật cải cách được thông qua tại hạ viện và thượng viện, tổng thống sẽ ký ngay lập tức để nó trở thành luật và các đảng chính trị có thể đăng ký tham gia bầu cử theo những quy định mới”, bà Natalya Timakova, người phát ngôn của Điện Kremlin, nói.
Trước đó Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin đều cam kết điều tra hành vi gian lận và trừng phạt những người vi phạm luật bầu cử. Song hai ông không nhắc tới việc tổ chức lại cuộc bầu cử theo yêu cầu của người biểu tình.
Cuộc bầu cử Duma Nga diễn ra hôm 4/12 với chiến thắng lớn nhất thuộc về đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin. Đảng này giành gần 50% số phiếu, giảm so với mức hai phần ba của kỳ bầu cử trước. Tuy nhiên một bộ phận người Nga và một số nước phương Tây cho rằng đã có sai sót hoặc thậm chí gian lận trong bầu cử.
Minh Long