19 thg 12, 2011

Hà Nội: Giải cứu thiếu nữ trên nóc nhà 5 tầng

Bị 3 “chủ nợ” đe dọa, Huyền cầm kéo dọa sẽ tự tử nhưng các đối tượng này vẫn tiến tới định đánh Huyền. Nhân lúc 3 đối tượng sơ hở, Huyền nhảy qua lan can tầng 6 khách sạn xuống mái nhà bên cạnh, trườn qua mái một ngôi nhà nữa rồi kêu cứu.
Ngày 19/12, Công an phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm cho biết đã giải cứu một thiếu nữ trên nóc ngôi nhà 5 tầng trong đêm.
 
Nơi xảy ra vụ việc.
Trước đó, khoảng 3h30 ngày 18/12, nhận được tin báo của quần chúng về sự xuất hiện của một cô gái trẻ trên nóc nhà số 32 Hàng Nón, Trung tá Nguyễn Thái Vĩnh - Trưởng CAP Hàng Gai đã nhanh chóng triển khai đội hình để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xấu nhất có thể xẩy ra.
Một mặt, Trung tá Vĩnh cắt cử những trinh sát hình sự tiếp cận tầng thượng ngôi nhà số 32 từ nhiều hướng để vận động thuyết phục cô gái trẻ không có hành động dại dột. Mặt khác, CSKV cũng nhanh trí gọi chủ nhà số 32 Hàng Nón tỉnh dậy để mang thang lên tầng thượng thuyết phục cô gái đang ngồi trên mái tôn xuống đất an toàn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CAP Hàng Gai đã kịp thời giải cứu thành công cô gái trẻ tiếp đất an toàn.
Tại trụ sở công an, nạn nhân được làm rõ là Hoàng Thu Huyền (SN 1986, ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa). Huyền cho biết lý do ban đêm có mặt trên mái tôn ngôi nhà số 32 là do bị 3 đối tượng đòi nợ nên phải chạy trốn.
 
Vụ việc bắt đầu từ mối tình “lệch pha” của Huyền với một người đàn ông tên Hùng (SN 1968). Dù Hùng làm bánh mì, không thuộc diện đẹp trai, cũng chẳng phải đại gia nhưng Huyền lại yêu là vì… thích năm sinh của anh này có con số đảo với năm sinh của mình.
Không biết do làm ăn thua lỗ hay cờ bạc mà Hùng có vay của ba thanh niên (chưa xác định danh tính) số tiền 60 triệu đồng. Không tìm được con nợ, tối 17/12 ba chủ nợ đã lần ra manh mối của Huyền đang nghỉ tại 604 khách sạn 26 Hàng Nón.
Ba chủ nợ đã tìm đến khách sạn trên vờ thuê phòng 601 và nhờ lễ tân gõ cửa phòng 604 để ập vào khống chế Huyền. Sau một hồi dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn về mặt tinh thần hòng để Huyền khai ra manh mối của Hùng không thành, các đối tượng đã có hành vi dọa nạt cô gái này.
Cũng chẳng vừa, khi bị dọa, Huyền đã cầm chiếc kéo thủ công có sẵn trong phòng dọa đâm vào bụng mình tự tử. Một trong ba thanh niên còn cười khẩy dọa lại: “Em cứ đâm đi, kéo này thì không chết đâu”. Lúc này, Huyền giở “võ cùn”, dọa sẽ lao đầu qua ban công từ tầng 6 xuống đất để được chết.
Nói là làm, nhân lúc ba chủ nợ sơ hở, cô gái này đã mở cửa ban công tụt sang mái tôn số nhà 28 Hàng Nón từ độ cao gần 2m. Không dừng lại ở đó, Huyền còn tiếp tục leo sang 2 nhà khác và chỉ chịu dừng lại ở số nhà 32 khi gặp “chướng ngại vật” là số nhà 34 có chiều cao không thể trèo lên được.
Chứng kiến sự liều lĩnh này của Huyền, ba chủ nợ sợ hãi, lặng lẽ rời khỏi khách sạn, cao chạy xa bay.
Hiện CAP Hàng Gai đang phối hợp với CAQ Hoàn Kiếm mở rộng điều tra làm rõ vụ việc.
Tiến Nguyên

18 thg 12, 2011

Sau cái bằng tiến sĩ là cái gì?

Đề tài tiến sĩ 322 nóng trên khắp các diễn đàn mạng, thậm chí có diễn đàn còn đề nghị những người điều hành không khóa chủ đề này vì đây thực sự là một điều nhức nhối cho xã hội.
Trên nhiều diễn đàn, các ý kiến đều đặt ra câu hỏi: Những tiến sĩ 322 dùng tiền của dân để đi học, vậy mà khi trở về không thực hiện cam kết thì có đáng bị lên án hay không?


Có những ý kiến băn khoăn về mục tiêu đào tạo tiến sĩ 322 có lãng phí tiền của vào lượng lớn chất xám ảo khi mà xã hội được hưởng lợi rất ít từ các tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ, bằng chứng là số lượng thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư ngày càng tăng ở Việt Nam mà tốc độ tụt hậu cũng tăng theo?


Đó là chưa kể, việc sử dụng tiến sĩ khi trở về như thế nào mới là quan trọng nhất.


Trên một diễn đàn, thành viên K'HOA chia sẻ: "Các bạn học tiến sĩ xong không biết có hiểu được rằng mục đích của việc đào tạo tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học độc lập (80%) và có thể đào tạo thế hệ sau (20%) hay không? Và nghiên cứu khoa học độc lập bao gồm "tự xin được tiền để làm nghiên cứu khoa học".
Một khi xin được tiền rồi thì lương không thấp đâu. Còn không xin được tiền? Các bác đã làm lãng phí một số tiền khổng lồ, công sức của những người đi trước, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người lao động cả nước để lấy "cái bằng tên là tiến sĩ" và không làm được một thứ gì có ích từ cái bằng đó.
Ngoài ra nếu không thể làm nghiên cứu độc lập thì nhiệm vụ đào tạo thế hệ sau của các bác chỉ đạt 30%, 70% còn lại là hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, mà bản thân các bác không nghiên cứu thì lấy gì hướng dẫn sinh viên? Đấy là chưa nói đến chuyện chỉ chừng 10% trong các đề tài nghiên cứu khoa học là có ý nghĩa thực sự làm phát triển cuộc sống..."


Một ý kiến khác đồng tình: Bằng tiến sĩ chẳng qua là chỉ là cái chìa khóa để mở ra con đường nghiên cứu, còn có được xã hội thừa nhận hay không phụ thuộc vào những thành quả đạt được ở phía sau. Không phủ nhận con đường học vấn là đầy gian nan, không phải chỉ sang là được hưởng thụ và đi du lịch như một số bạn từng nghĩ, nhưng tiến sĩ không có nghĩa là kiến thức uyên thâm hay cao siêu gì, chỉ là có chiều sâu trong một lĩnh vực rất nhỏ. Thế nên nếu ai đó mà đem cái bằng tiến sĩ ra để mặc cả, mà chưa biết đến khả năng làm việc thực tế của mình thế nào, thì thật là hơi lố bịch."


Mục đích của đào tạo tiến sĩ là tạo nguồn các nhà nghiên cứu cho xã hội, thế nhưng môi trường nghiên cứu ở các trường đại học không phát triển, tiến sĩ trở về chỉ đi dạy, vấn đề sử dụng còn gây lãng phí hơn.
"Với cơ chế cứng nhắc, đồng sàng, đồng lứa như hiện nay, tôi nghĩ không chỉ có các tiến sĩ, mà kể cả các em sinh viên giỏi của các trường đại học cũng vậy. Nếu nhà nước không có chính sách riêng để thu hút nhân tài, thì dù rằng họ có làm việc cho cơ quan nhà nước thì tâm và trí họ cũng không dồn hết vào đấy, vì họ còn phải lo cuộc sống, lo cơm, áo, gạo, tiền để nuôi vợ con họ trong thời buổi đắt đỏ này", một thành viên chia sẻ.
Một lưu học sinh tại Pháp nói: "Tôi cũng đang là lưu học sinh của 322, trong quá trình học, sinh viên bên này hỏi một câu "học xong có được tăng lương không"? Tôi trả lời "Không"! Họ hỏi lại "Vậy học để làm gì"? Tôi trả lời, để có thêm kiến thức và có thể làm việc tốt hơn. Họ cười và không tin được mức lương mà tôi nói. Tôi công tác trong ngành giáo dục được gần 10 năm và mức lương khoảng gần 3 triệu/tháng (hệ số 3,3 ngạch nghiên cứu viên).
Lưu học sinh này băn khoăn trước khi chuẩn bị về nước rằng, đi học bằng tiền của nhà nước thì có trách nhiệm làm việc tại cơ quan đã cử đi, nhưng mặt khác, làm thế nào để sống và yên tâm theo nghề được? Không ai muốn phải "chân ngoài dài hơn chân trong", nhưng cơ chế hiện nay tại các cơ quan nghiên cứu, không ít hoạt động là theo nhóm, êkip với nhau, người đúng chuyên môn chưa chắc được tham gia nếu không cùng êkip đó. Vậy nên, có người buộc phải tìm thêm công việc bên ngoài để đảm bảo cuộc sống."'
Nhìn chung trên các diễn đàn, việc sử dụng các tiến sĩ như thế nào mới là câu chuyện đáng nói nhất.

  • Tú Uyên (tổng hợp)

Tết ơi đừng đến

Một chút se lạnh cùng với cái yên tĩnh đến lạnh lùng của vùng quê nghèo khiến tôi nhớ đến mùa xuân của 7 năm về trước.
Bạn trẻ cuộc sống với những câu Chuyện tình yêu, ngoại tình, tâm sự của les, gay và những bài viết sinh động, đa chiều về thế hệ 8x - 9x
Hồi ấy tôi học lớp 8, cái tuổi chưa đủ lớn để suy nghĩ nhiều nhưng cũng không còn bé nhỏ gì nữa. Mùa xuân luôn là niềm trông ngóng của tôi, cũng bởi mùa xuân có cái tết cùng tiền lì xì và bộ quần áo mới. Giá mà tôi có thể viết mùa xuân có cái tết cùng những phong bao lì xì đỏ thắm có lẽ sẽ văn học hơn. Nhưng sự thật là hồi đó họ hàng nhà tôi, cả làng cả xã tôi còn nghèo quá, mua được phong bao lì xì có khi không còn tiền để lì xì nữa. Giờ đây khi đã trưởng thành tôi mơ mộng nhưng tuyệt nhiên không thích những điều phi thực tế. Và thực tế đôi khi lại rất phũ phàng, nó phũ phàng bởi gieo đau thương mà không lấy gì phủ lấp.
Tôi cũng như bao đứa trẻ khác khao khát một cái tết biết bao. Tôi đã gói ghém cẩn thận bộ quần áo mới mẹ mua cho, chỉ chờ tết đến là mặc thôi. Và còn nữa, một cuốn sổ nhỏ lên danh sách cô dì chú bác… tất cả những người họ hàng sẽ mừng tuổi tôi. Tết xong, ai mừng bao nhiêu tôi sẽ điền vào. Chắc sẽ ít có đứa trẻ nào cẩn thận được như tôi. Tôi phải ghi lại là để so sánh với các năm trước, cũng là để tránh nhầm lẫn, rồi còn gửi mẹ tôi nữa.
 Từ nhỏ mọi người đã đánh giá tôi thuộc thành phần ghê gớm. Vì cái bản tính ấy của tôi mà mọi người nhiều khi thấy sợ tôi hơn là yêu quý. Tôi cũng chẳng bận tâm nhiều vì cái tuổi của tôi lúc ấy chưa thúc giục tôi phải để ý đến xung quanh xem người ta nghĩ gì về mình. Tuy nhiên tôi lại rất sùng bái một người, đó chính là bà nội tôi. Sùng bái, yêu quý và kính trọng nữa. Lúc nào tôi cũng quấn lấy bà. Tôi từng đọc được ở đâu đó viết rằng: “Tất cả những người bà trên đời đều tốt”. Tôi thấy đúng quá. Bà tôi biết rất nhiều câu chuyện cổ tích. Tôi ngủ với bà từ khi còn nhỏ. Đêm nào tôi cũng đòi bà kể chuyện cho nghe, vừa nghe chuyện vừa sờ ti bà là thú vui mà tôi không thể nào từ bỏ được. Một năm, chỉ có một ngày duy nhất tôi không được ngủ với bà đó là đêm 30 tết. Bởi vì, sáng hôm sau tôi phải mặc quần áo mới cùng bố mẹ đến chúc tết ông bà. Khi cái tết của năm học lớp 8 đang sắp đến gần tôi cũng háo hức lắm.
Bài dự thi: Tết ơi đừng đến, Bạn trẻ - Cuộc sống, Bai du thi, tet, tet va nhung ki niem dang nho, bai du thi ve tet
Dòng sông ơi, thời gian ơi có bao giờ mi chảy ngược cho ta sống mãi bên bà... (Ảnh minh họa)
Tôi đã đếm từng ngày, chỉ còn 16 ngày nữa thôi. Quần áo mới, sổ danh sách, mọi thứ đã xong xuôi. Đợi chục hôm nữa là sẽ cùng bà gói bánh chưng. Bà hứa năm nay sẽ gói cho tôi mấy cái bánh chưng con một mình ăn cho đã đời. Năm trước được có một cái ăn chẳng bõ dính răng. Quần áo mới, bánh chưng con, tiền lì xì, bao nhiêu thứ đợi tôi phía trước, mong đến tết quá. Niềm vui sướng con trẻ của tôi có lẽ cứ thế mà nhân lên khi số ngày đến tết càng ngắn lại nếu như không có cái ngày hôm ấy. Tôi đi học về là hớn hở chạy vào nhà bà ngay, sao nhà bà hôm nay đông thế? Tôi thấy người lớn nói chuyện với nhau: bà tôi không sống được bao lâu nữa, ung thư giai đoạn cuối rồi, lâu nhất cũng chỉ được hai tháng nữa thôi. Nước mắt tôi cứ thế mà chảy ra không sao ngăn được. Bà tôi đang sống vui vẻ cơ mà, thỉnh thoảng bà có kêu đau một chút nhưng rồi lại thôi cơ mà. Bao nhiêu dự định của tôi về tương lai, khi tôi lớn và làm ra tiền tôi sẽ mua rượu cho bà tôi uống vì bà tôi thích uống rượu lắm, sẽ mua quần áo mới cho bà vì bà tết đến cũng chỉ thấy mặc quần áo cũ thôi.
Tôi đã nghĩ như thế đấy nhưng ông trời sao không cho phép tôi được báo hiếu với bà. Không có bà tôi sẽ sống thế nào đây? Tôi không cần tết nữa, chỉ cần bà ở bên tôi thôi. Những ngày sau đó, tôi không rời khỏi giường bà. Những cơn đau hành hạ khiến bà rên rỉ, bà tôi không còn chịu đựng được như trước đây nữa. Tôi cũng không còn được ngủ với bà nữa, các cô các bác và cả mẹ tôi thay phiên nhau ngủ với bà để trông bà. Vài ngày sau, khi tôi đang ngủ thì bố tôi gọi dậy bảo con vào với bà đi. Tôi vội vàng đi theo bố. Các cô các bác đều ở đây cả rồi. Tôi thấy lạ quá, sao lại đông đủ thể này. Tôi đứng nép vào góc tường vì trên giường bà mọi người đã ngồi kín rồi. Trông bà tôi có vẻ đau đớn lắm, dường như bà tôi đang gồng lên để nhìn mặt tất cả mọi người. Bà tôi nhìn mọi người nhưng sao bà không nhìn tôi? Câu hỏi này ai sẽ trả lời cho tôi? Bà tôi đã đi rồi.
Người ta bảo bà có thể sống được hai tháng nữa vậy mà đến giờ mới được hơn một tuần. Sao ông trời lại nhẫn tâm đến thế? Sao ông không lấy những tháng năm được sống còn lại của tôi chia cho bà tôi một nửa để tôi lúc nào cũng được sống bên bà. Đó có lẽ là cái tết buồn nhất trong cuộc đời tôi. Cái tết mà tôi đã ước gì nó đừng đến. Năm ấy vì nhà có tang nên cả nhà tôi ở nhà không đi chúc tết ai. Tôi cũng chẳng thèm đếm xỉa đến quần áo mới, đến sổ danh sách nữa. Sau này, mỗi năm tết đến, thấy người ta thi nhau sắm tết, chuẩn bị gói bánh chưng tôi lại nhớ bà vô cùng.

Bí ẩn 'cáo chín đuôi' ở hồ Tây

Lật giở lịch sử và đầy kỳ bí khi biết câu chuyện liêu trai: hồ Tây chính là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi.




Theo sách Lĩnh Nam chích quái, thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long, rồi đóng đô ở đấy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là Bạch Y Man (Mán áo trắng).


Hồ Tây chính là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi. Ảnh: Vnphoto
Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là đầm Xác cáo, tức Tây Hồ ngày nay. Sau lập miếu, tức Kim Ngưu Tự để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, nay gọi là Hồ Thôn (thôn Cáo). Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.
Vậy, hồ Tây chính là là lăng mộ chôn xác cáo chín đuôi? Mang huyền thoại này đi hỏi những người dân sống lâu năm ở khu vực xuang quanh hồ thì được bác Văn (ở phố Trần Vũ) cho biết: "Gia đình tôi có 3 đời sống ở nơi này. Truyền thuyết về hồ Tây thì có rất nhiều, nào là hồ Trâu vàng, đầm Xác cáo, hồ Dâm đàn... Về huyền thoại cáo chín đuôi, tôi được nghe rằng, trước đây, vùng đất này là rừng núi hết sức hoang vu, ít người qua lại. Lúc đó, trên một ngọn núi giữa vùng có một con cáo chín đuôi. Nhờ hàng ngàn năm tu luyện, cáo đã thành tinh, phép thuật hết sức lợi hại...".
Và có vẻ như khơi đúng mạch, bác Văn ngược về quá khứ, cứ kể như mình là người chứng kiến sự việc: Con cáo chín đuôi lúc biến thành cô gái xinh đẹp, lôi dụ các chàng trai; lúc lại thành chàng thanh niên tuấn tú đi tán tỉnh thôn nữ; khi lại là quỷ dữ dọa người đến khiếp sợ... Nó làm thế là vì muốn bắt được càng nhiều người đưa về hang sâu để ăn thịt dần...
Trong khi đó, vẫn là câu hỏi về cáo chín đuôi ở hồ Tây, cụ Thanh, 70 tuổi, sống ở đê Yên Phụ, lại kể: Vì con hồ tinh có pháp thuật cao cường và mưu mô quỷ quyệt, nên dân chúng không còn cách nào khác, bèn họp cả làng thắp hương cầu khấn lên trời cao, xin Ngọc Hoàng ra tay cứu giúp. Động lòng thương hại, Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng dùng phép thuật giết chết hồ tinh... Khi Huyền Thiên thực thi pháp thuật đánh nhau với hồ tinh thì trời đất tối mù, đất đá lở tung, cây cối bật gốc. Hai bên quần nhau mãi đến khi hồ tinh bị Huyền Thiên cắt đứt chín đuôi và dẫm nát dưới chân, thì bỗng dưng... vùng đất sụt xuống dưới sâu. Ngọc Hoàng phòng xa khả năng hồ tinh sống lại, nên hạ lệnh cho thần Mưa đổ nước xuống ngâm vĩnh viễn xác cáo. Từ đó, vùng nước mới này được gọi là đầm Xác cáo.
Trong cuốn sách viết về hồ Tây, cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận xét: Hồ Tây là hồ thuộc loại linh thiêng nhất Việt Nam. Không chỉ ông mà trong tâm thức nhiều người Hà Nội, hồ Tây đã và đang được tin như là long mạch lớn nhất của thủ đô cổ kính. Theo ông Phúc, cái tên xưa nhất của hồ Tây là đầm Xác cáo và truyền thuyết gắn liền với công đức của Lạc Long Quân giúp người dân có cuộc sống yên bình, mà không bị loài yêu tinh quấy phá. Thần đã truy đuổi con cáo vào tận hang và sau đó, cho nước ngập hang làm chết cáo...
(Theo Đất Việt)
 

Hà Tĩnh: Nghi vấn xung quanh vụ rút ruột công quỹ

- Liên quan đến sự việc kế toán trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe cán bộ Hà Tĩnh làm giả chữ ký lãnh đạo để mượn tiền cá nhân, rút tiền cơ quan, lãnh đạo cơ quan này đã có nhiều nghi vấn xung quanh việc bà Hoa rút được tiền nhiều lần tại kho bạc. Sau khi sự việc bà Nguyễn Thị Phương Hoa (tên trong các văn bản vay nợ là Nguyễn Thị Hoa) đến cơ quan điều tra đầu thú về việc làm giả chữ ký lãnh đạo Ban CSSK cán bộ Hà Tĩnh để vay tiền cá nhân và lấy tiền nhà nước, ông Trần Đăng Ninh, Phó Trưởng ban đã có nhiều nghi vấn xung quanh sự việc số tiền hơn 400 triệu của cơ quan này bị rút ra một cách dễ dàng tại Kho bạc Hà Tĩnh.
Ông Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin bà Hoa, kế toán trưởng của cơ quan đến công an đầu thú, ông đã phát hiện thấy số tiền hơn 400 triệu đồng của cơ quan tại kho bạc Hà Tĩnh đã bị chuyển qua tài khoản cá nhân bà Hoa trong hai ngày 6 và 7/12.
Phòng Kế toán, nơi làm việc của bà Hoa đã được niêm phong.
Ông rất bất ngờ bởi bản thân mình là chủ tài khoản, không hề có ký văn bản nào để rút tiền hay chuyển tiền. Ông đã đến tìm hiểu sự việc tại kho bạc và có nhiều nghi vấn về việc số tiền trong tài khoản cơ quan bị rút một cách công khai.
"Việc số tiền hơn 400 triệu của cơ quan bị bà Hoa chuyển sang tài khoản cá nhân là có phần trách nhiệm của kế toán kho bạc. Nếu họ kiểm tra kỹ, làm đúng quy trình thì bà Hoa đã không lấy được tiền", ông Ninh bức xúc.
Chị Đậu Thị Thanh Nga, nhân viên phòng xét nghiệm Ban, một người bị bà Hoa lừa kể lại: Chiều ngày 24/11, bà Hoa đang ở kho bạc thì có gọi cho Nga lên kho bạc ký vào chứng từ nhận tiền cho cơ quan.
Lên tới nơi thì bà Hoa bảo Nga ký vào giấy nhận tiền cho cơ quan. Vì không biết lên làm gì không mang theo CMND.
Làm theo chỉ dẫn của bà Hoa, Nga chạy về lấy CMND lên nhưng khi đưa vào cho kế toán kho bạc thì bị từ chối vì ảnh CMND quá mờ, không thể nhận dạng. Thế nhưng, không hiểu thế nào, sau khi nghe bà Hoa “thuyết phục”, kế toán kho bạc hôm đó đã chấp nhận cho Nga ký vào người nhận tiền.
Theo Nga, khi ký vào giấy thì chị không được biết nội dung, chỉ thấy sau khi ký xong thì thấy bà Hoa nhận được một cọc tiền. Nay sự việc vỡ ra, chi Nga chấp nhận bồi hoàn số tiền 60 triệu mà mình đã ký tại kho bạc (?!)
Trong văn bản gửi cơ quan công an của Ban CSSK cán bộ Hà Tĩnh có đoạn viết: “Trong lần làm việc với chị Quỳnh, Kế toán trưởng Kho bạc tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Đăng Ninh có phát hiện nhiều nghi vấn xung quanh thủ tục rút tiền, chuyển tiền của cơ quan tại kho bạc. Ban báo cáo với các cơ quan chức năng mong được làm rõ”.
Liên quan đến sự việc bà Hoa dùng con dấu cơ quan, giả chữ ký ông Trần Đăng Ninh để vay tiền ngoài xã hội, hiện đã có nhiều cá nhân viết đơn tố cáo việc bị bà Hoa lừa đảo.
Thông tin khiến dư luận rất quan tâm là việc làm của bà Hoa diễn ra trong nhiều năm, con dấu của Ban CSSK cán bộ Hà Tĩnh được sử dụng hàng chục lần, qua hai đời nhân viên văn thư, thế nhưng, lãnh đạo ban này vẫn không hề hay biết.
Với thủ đoạn “vay tiền cho cơ quan, vay tiền chạy dự án”, trả lãi đầy đủ, bà Hoa đã “mượn” được tiền của rất nhiều người, chủ yếu là người có mối quan hệ thân thiết của bà Hoa. Thậm chí còn mượn được tiền của các hiệu cầm đồ, đồng nghiệp, nhiều công chức nhà nước.
Những văn bản vay tiền của bà Hoa đều được lập với hình thức giống nhau. Đều có nội dung với danh nghĩa cơ quan, mượn tiền để mua thiết bị, chạy dự án, làm đề tài, có chữ ký của các thành viên trong dự án (đề tài) và có sự xác nhận với cái tên Trần Đăng Ninh và đóng dấu. Và hàng tháng bà Hoa đều trả lãi đầy đủ.
Không chỉ đứng tên trực tiếp vay mà có nhiều văn bản, bà Hoa chỉ đứng tên là người bảo lãnh cho ông Trần Đăng Ninh vay tiền các cá nhân, với số lượng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Có nạn nhân bị lừa tới 11 lần với số tiền 2,3 tỷ đồng.
Theo thông tin từ ông Ninh, số tiền mà bà Hoa vay nợ không có khả năng trả đã lên tới con số trên 10 tỷ đồng. Hiện phòng kế toán của Ban đã được niêm phong, chờ cơ quan chức năng đến kiểm tra.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Duy Tuấn

Người tình nguyện hiến thận cho bệnh nhân bị cắt 2 thận

Một thanh niên 28 tuổi tình nguyện hiến một phần cơ thể cho chị Tú - người bị bác sĩ mổ thận trái nhưng cắt luôn cả thận phải. Tuy nhiên, nhóm máu hai người không tương thích, nên không thực hiện được, trong khi chị Tú tiếp tục yếu dần.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Lê Quang Võ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết anh Tâm (tên giả), 28 tuổi ở ấp Trà Côi, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú, Sóc Trăng) đã nhiều lần điện thoại đến bệnh viện với nội dung tình nguyện hiến một quả thận để ghép cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, người có “thận móng ngựa” nên khi phẫu thuật thận trái bị bác sĩ cắt luôn thận phải.
Liên hệ với thanh niên này, anh Tâm cho biết không muốn tiết lộ danh tính bởi anh giấu gia đình chuyện muốn hiến thận cho chị Tú.
Để sớm tìm được thận ghép, chiều ngày 16/12 bác sĩ Võ đã xuống quê lúa Mỹ Hương đưa Tâm lên Cần Thơ để trao đổi những thông tin cần thiết. Sau đó, anh Tâm được thử máu với kết quả nhóm A, không tương thích với nhóm máu O của chị Tú nên bệnh viện đành đưa anh về quê trong sự tiếc nuối.
Cùng ngày, chồng chị Tú cho biết chị đã chạy thận lần thứ 4, dự kiến ngày 17/12 chạy thận lần nữa vì sau khi chạy thận vài giờ cơ thể chị Tú tiếp tục phù trở lại. Mỗi ngày chị Tú chỉ húp được vài muỗng cháo, một ít sữa nên sức khỏe rất yếu, da xanh xao.
Thiên Phước