12 thg 12, 2011

Bí mật trong "đế chế" FIFA (Phần 2)


Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó...
Một cuộc chiến pháp lý "gãi ngứa" FIFA
Phải mất 7 năm kể từ ngày Giám đốc Tài chính FIFA Erwin Schmid nhận được chiếc phong bì chứa tờ biên nhận chuyển tiền "bôi trơn" từ Tập đoàn ISL (International Sport and Leisure), “pháo đài” FIFA mới bị nã viên đạn pháo pháp lý.
Khoảng 10h30' sáng 3/11/2005, hoàn toàn bất ngờ, công tố viên Thụy Sĩ Thomas Hildbrand xuất hiện trước tổng hành dinh FIFA tại Zurich cùng đoàn thanh tra và tờ trát yêu cầu khám xét văn phòng ngài Chủ tịch Sepp Blatter và Giám đốc Tài chính kiêm Tổng thư ký Urs Linsi. Vụ "tấn công" chỉ được tiết lộ cho báo chí vào 3 tuần sau. Đó là màn khởi đầu cuộc so găng pháp đình giữa FIFA với giới thanh tra Thụy Sĩ. Và ai là kẻ bại trận?
Và 3 năm sau nữa, phiên xử ISL hối lộ cho FIFA mới bắt đầu. Điều tra cho biết, từ năm 1989 đến 2001 (thời điểm ISL phá sản), Tập đoàn tiếp thị thể thao lớn nhất thế giới ISL đã chi "hoa hồng" cho giới chức thể thao nói chung số tiền lên đến 138 triệu frăng Thụy Sĩ. Hai bị cáo Hans-Juerg Schmid và Christoph Malms (nguyên viên chức cấp cao ISL) thừa nhận, ISL đã chi nhiều khoản "bồi dưỡng" không lưu sổ sách để đảm bảo quyền ưu tiên được kinh doanh bản quyền truyền hình các trận đấu tại World Cup cũng như những sự kiện thể thao lớn.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ hối lộ, ISL thiết lập một mạng phức tạp với vô số công ty ma đặt tại nhiều nước - chẳng hạn Công ty Nunca, được dựng tại Vaduz (đảo quốc Liechtenstein) năm 1998; hoặc Sunbow được dựng trước đó 3 năm tại British Virgin Islands (cho đến khi sáp nhập vào Nunca ngày 8/2/1999). Những công ty ma này hoạt động bí mật đến mức không phải viên chức cấp cao nào ở ISL cũng biết. Giao dịch với Ngân hàng LGT (Đức), Sunbow có một tài khoản số 193.223.31.
Cuối tháng 5/1999 - theo tờ Der Spiegel - số tiền 36.130.220 frăng Thụy Sĩ được gửi vào tài khoản Sunbow ở LGT, chuyển đến từ tài khoản của Công ty Sporis Holding AG (thuộc ISL) từ Ngân hàng Banque Nationale de Paris, với bản ghi nhớ ghi vắn tắt "Phí mua bản quyền khai thác kinh doanh". Từ ngày 3/6/1999 đến 15/1/2001, tài khoản Sunbow tại LGT chỉ còn hơn 2 triệu frăng Thụy Sĩ. Giới điều tra cho biết, hơn 18 triệu frăng đã "được chuyển đến tài khoản những cá nhân liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các hợp đồng của ISL. Đó là những khoản hối lộ".
Cáo trạng 228 trang cho biết thêm, trong số người nhận có Nicolas Leoz (người Paraguay), lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) kiêm thành viên Ủy ban điều hành FIFA. Cụ thể, Sunbow đã chi 211.625 frăng Thụy Sĩ cho Leoz. Và trước Giáng sinh 1999, Muhidin Ndolanga - lúc đó là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tanzania - cũng được "cám ơn" bằng món tiền "của ít lòng nhiều" là 15.975 frăng Thụy Sĩ. Cả Leoz lẫn Ndolanga đều bác bỏ cáo buộc...

Sepp Blatter và "ông-giỏ-tiền" Jean-Marie Weber.
Nổi bật nhất trong đường dây hối lộ là Jean-Marie Weber (nguyên Phó chủ tịch ISL), người được mệnh danh "ông-giỏ-tiền", một chuyên gia bậc thầy "đi cửa sau" chịu trách nhiệm về hoạch định chi tiết việc chi cho ai và chi bao nhiêu trong chiến lược hối lộ. Weber và Blatter biết nhau từ thập niên 70, khi cả hai cùng kề vai sát cánh với Horst Dassler (Tổng giám đốc điều hành Adidas), người sáng lập ISL năm 1982. Lúc đó, Blatter là Giám đốc Kỹ thuật FIFA và Weber là trợ lý riêng  của Dassler.
Sau khi Dassler chết trẻ (51 tuổi) bởi bệnh ung thư năm 1987, Weber bắt đầu thiết lập đường dây tham nhũng giữa ISL với giới chức thể thao khi đảm nhận sứ mạng "xây dựng các mối quan hệ". Điều đáng chú ý là Weber làm cho ISL mà không hề có hợp đồng lao động chính thức nhưng được hưởng "lương cơ bản hàng năm" là 870.000 frăng Thụy Sĩ.
Nhân vật bí hiểm này thiết lập hệ thống bôi trơn cho ISL qua công ty bình phong Sporis Holding AG. Bị cáo Christoph Malms (nguyên viên chức điều hành ISL) thú nhận rằng mình cảm thấy sốc khi nhận thấy hoạt động kinh doanh của ISL dựa chủ yếu vào “văn hóa hối lộ”. "Tôi được cho biết rằng công ty (ISL) không thể tồn tại nếu không chi những khoản trên" - Malms trình trước tòa. Bị cáo Hans-Juerg Schmid (nguyên Giám đốc Tài chính ISL) cũng thuật: "Nếu chúng tôi không chịu chi, các công ty khác sẽ nhảy vào giành được hợp đồng. Đây là một trong những hoạt động nhạy cảm nhất chuyện làm ăn"...
Những tưởng vụ xử có thể bắn thủng được “pháo đài” FIFA và hạ bệ ngài Chủ tịch Blatter nhưng cuối cùng nó chẳng có "tác dụng giáo dục" gì mấy đến văn hóa tham nhũng và quan trọng nhất là chẳng làm sứt mẻ FIFA cũng như ông vua không ngai của nó. Weber bị phạt khoảng 56.000 frăng Thụy Sĩ tội biển thủ khoản tiền mà đương sự không thừa nhận; 2 người khác bị phạt tiền nhẹ hơn tội làm sai sổ sách kế toán và 3 người còn lại trắng án. Phần mình, FIFA bị phạt khoảng 94.000 frăng Thụy Sĩ tội "cản trở tiến trình điều tra" cùng tội "che giấu sự thật".
Câu hỏi lớn nhất đọng lại từ phiên xử - như lời cật vấn "vang vọng vào thinh không" của Chánh án phiên tòa Marc Siegwart đối với 6 bị cáo ISL, rằng "tôi muốn biết những ai cụ thể nhận được tiền của quý vị" - đã không bao giờ được các bị cáo trả lời (trong khi không hề có sổ lưu hay chứng từ chuyển khoản) và như vậy chẳng có bằng chứng nào thuyết phục quy kết giới chức FIFA. Chẳng trách khi được hỏi về kết quả phiên xử, Sepp Blatter đã nói rằng ông rất "hài lòng"!


  Mạnh Kim (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét